Doanh nghiệp xuất khẩu chắt chiu cơ hội cho năm 2024
Khó khăn tiếp diễn
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM: Đơn hàng ở mức yếu Trong 6 tháng cuối năm 2023, lần đầu tiên ngành da giày tăng trưởng âm. Rất nhiều DN rơi vào thế bí khi giữ lao động không được, nhưng cũng không thể cắt giảm bớt lao động. Từ đầu năm đến nay dù đã có một chút tín hiệu tốt, nhưng vẫn rất mong manh. Những DN có quy mô lớn, có khách hàng lâu năm thì có đơn hàng, còn lại những DN khác vẫn rất khó khăn. Qua trao đổi nhanh với một số DN trong hội, chỉ khoảng 30-40% số DN có đơn hàng và đơn hàng cũng chỉ ở mức yếu. Trước tình hình đó, các DN đang rất tích cực tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để giải vây cho khối châu Âu và Mỹ, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều khả quan. Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây: Năm 2024 dù xuất khẩu nhiều nhưng chỉ hòa vốn Kể từ mùng 6 Tết đến nay, nhân viên tại Công ty CP Thực phẩm Bình Tây đã phải tăng ca liên tục để sản xuất đơn hàng. Công ty cũng đang tuyển thêm 50 công nhân thời vụ để tăng sản xuất. Hiện tại, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây đã có đơn hàng cho cả năm, thậm chí còn không đủ bán. Doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300%. Tuy nhiên, các nguyên liệu đầu vào đều đang tăng giá, trong khi việc tăng giá bán tại các thị trường nước ngoài là rất khó, nên dự kiến trong năm 2024 dù xuất khẩu nhiều nhưng cũng chỉ hòa vốn. Công ty đang nỗ lực tăng năng suất lao động, chuyển đổi máy móc, thiết bị hiện đại và thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm tối đa các chi phí… Ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital: Kỳ vọng đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng Mức tăng trưởng cao vào tháng 1/2024 là do lấy mốc so sánh thấp khi xuất khẩu của Việt Nam đã giảm vào đầu năm 2023 và đó cũng là thời điểm của kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2023. Các DN Mỹ đã đặt hàng quá nhiều các sản phẩm “Made in Vietnam” trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và phải cắt giảm đơn đặt hàng cho các sản phẩm này năm 2023 để giảm lượng hàng tồn. Tuy nhiên, sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm, xu hướng đó sắp kết thúc. Vì vậy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 1/2024. Điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc, khi các đơn đặt hàng mới cải thiện đáng kể trong tháng trước (dù các đơn đặt hàng tiếp tục giảm, nhưng ở tốc độ chậm hơn). VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, được thể hiện qua niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt mức cao nhất kể từ sự bùng nổ sau khi mở cửa hậu Covid-19. Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa tăng trưởng sản xuất trong tháng 1/2024 cho thấy hàng tồn kho của các nhà sản xuất đã giảm vào tháng trước. Như vậy, hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh để đáp ứng được nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm “Made in Vietnam”. Với việc chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thêm vào đó, việc sử dụng lao động trong ngành sản xuất đã hồi phục sau đợt cắt giảm năm ngoái, vì vậy tiêu dùng sẽ có thể được thúc đẩy khi các nhà máy tuyển thêm nhân công trong những tháng tới. Ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2: Quản trị tốt hơn để nâng cao hiệu quả Một yếu tố tích cực nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam là việc Chính phủ đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, trước đó Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Nga. Như vậy, Việt Nam đã là đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đây chính là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam để có thể tiếp cận với các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, khi nói về các khó khăn hiện nay, trước tiên phải kể đến khó khăn của các DN nhập khẩu. Bởi trên thực tế đã có rất nhiều DN có bề dày lên tới hàng trăm năm bị phá sản trong năm 2024 và dự báo sẽ tiếp tục có thêm những DN khác sẽ bị phá sản trong năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc nhập khẩu hàng hóa của chúng ta. Đứng trước khó khăn, vấn đề đặt ra đối với các DN là làm sao để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Bên cạnh việc có đơn hàng thì DN cần nâng cao hiệu quả hoạt động thì mới đảm bảo duy trì được trong bối cảnh hiện nay. Việc giá cả giảm sút và số lượng nhỏ lẻ khiến năng suất lao động thấp đi, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng lên. Do đó, cần giảm tối đa các chi phí để nâng cao hiệu quả. Năm 2023, chúng tôi đã đầu tư các loại máy móc tự động để có thể giảm chi phí nhân công xuống mức thấp nhất có thể, đồng thời kiện toàn bộ máy để nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ sai sót xuống mức thấp nhất. Đây chính là cơ hội để DN cơ cấu lại hoạt động, nâng cao hiệu quả quản trị của mình. Làm tốt được điều này, DN sẽ có thể cạnh tranh tốt hơn với các DN trên thế giới, đặc biệt khi cầu thị trường được dự báo sẽ quay lại vào năm 2025. Nguyễn Hiền (ghi) |
Báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm gần 2.000 tỷ USD, tương đương mức giảm 8% trong năm 2024, một phần do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển cũng như do giá cả hàng hóa giảm.
Trong một báo cáo được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, các dự báo hiện tại dù nghiêng về khả năng hạ cánh mềm cho kinh tế Hoa Kỳ vẫn cho thấy đà tăng trưởng chung của kinh tế thế giới vẫn sẽ chậm lại và thấp hơn giai đoạn trước đại dịch Covid-19, do tác động có độ trễ từ chính sách tiền tệ thắt chặt của giai đoạn 2022-2023. Thế giới tiếp tục phân mảnh, cạnh tranh nước lớn gia tăng, rủi ro địa chính trị khó có thể dịu bớt…
Sự sụt giảm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM, Giám đốc Công ty Đức Minh cho biết, so với năm 2023, đơn hàng xuất khẩu của công ty đã giảm 25-30% và các khách hàng chưa có hứa hẹn gì về việc sẽ tăng đơn hàng trong năm nay. Đối với các DN trong Hội Cao su nhựa TPHCM, lượng đơn hàng hiện vẫn rất thấp.
Với ngành xuất khẩu gỗ, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng Thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết, những đơn hàng lớn hầu như không còn nữa. DN không còn xuất khẩu ồ ạt với những đơn hàng lên tới hàng trăm container như trước kia, thay vào đó, các DN phải tập trung làm hàng mẫu cho khách hàng. Tại SADACO, có thời điểm lượng hàng mẫu chiếm tới 40-50% tổng lượng hàng xuất khẩu. Điều này khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn do việc làm hàng mẫu đòi hỏi công sức, sự tỉ mỉ rất lớn trong khi giá cả lại không tăng tương xứng.
Trong lĩnh vực dệt may, báo cáo của SSI cho hay, các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng. Do đó, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh và các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề này lan truyền đến khắp chuỗi cung ứng. Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Điều này sẽ dẫn tới rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.
Theo quan sát của SSI, giá bán trung bình và sản lượng tiêu thụ dệt may trong quý 4/2023 chỉ cải thiện nhưng nhẹ và mức tồn kho của DN Mỹ vẫn ở mức cao, mặc dù đây là mùa cao điểm. Trong tháng 1/2024, giá bán trung bình và lượng đơn đặt hàng tiếp tục ở mức thấp, trong đó giá bán trung bình đã giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những khó khăn về đơn hàng, những bất ổn tại Biển Đỏ đã khiến chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ, châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Mặc dù hầu hết các DN xuất khẩu sử dụng phương thức FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển, tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn trong quý 1/2024 cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt.
Ông Trần Quốc Mạnh cho biết, hiện chi phí xuất khẩu mỗi container sang Mỹ lên tới 4.000 USD, tăng rất cao so với mức chỉ trên 1.000 đến 2.000 USD trước đây. Bên cạnh vấn đề chi phí, việc chậm trễ trong thời gian giao hàng cũng đặt các DN trước những thách thức rất lớn.
Chắt chiu cơ hội
Trước bối cảnh khó khăn được dự báo sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm 2024, ông Trần Quốc Mạnh lưu ý rằng, năm 2024 là năm thứ 3 của giai đoạn khó khăn. Do đó, các DN phải quen và thích nghi với những biến động khó lường của kinh tế thế giới và có chiến lược linh hoạt để ứng phó kịp với những khó khăn đó. Ví dụ, trong số những đơn hàng đặt mới, lượng hàng mẫu chiếm tỷ lệ khá cao, song các DN phải nỗ lực kiên trì. Bởi lẽ hiện nhiều nhà mua hàng đang tìm kiếm các nhà cung ứng mới, do đó, nếu làm tốt, các sản phẩm hàng mẫu có thể sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn cho DN. Ngoài ra, bên cạnh những khó khăn khách quan, Chính phủ các nước như Mỹ và châu Âu còn siết chặt yêu cầu về môi trường đối với các sản phẩm. Nếu các DN không nhanh chóng chuyển đổi ngay từ xưởng sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu, cho tới khâu tiếp thị ra nước ngoài thì sẽ rất khó có thể trụ vững.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, khi thiếu vắng những đơn hàng trống, các DN đang phải gom những đơn hàng nhỏ để lấp vào khoảng trống. Cụ thể, trước những khó khăn tại Trung Quốc, nhiều DN Việt Nam đã tìm được một số sản phẩm ngách và thị trường ngách. Chẳng hạn như sản phẩm ống cho khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản của Hà Lan. Những DN tìm được sản phẩm ngách và thị trường ngách này sẽ có cơ hội phát triển trong năm 2024.
Bên cạnh đó, hiện tại lãi suất vay của các ngân hàng đang rất tốt, chỉ khoảng 6,5%/năm đối với DN vừa và nhỏ, thậm chí chỉ 5% đối với các DN có uy tín hơn. Do đó, những DN có tiềm năng và triển vọng về đơn hàng sẽ tìm cách vay để mua nguyên vật liệu. Bởi lẽ giá nguyên liệu cho ngành nhựa hiện đang khá rẻ, ví dụ như phụ liệu cho ngành cao su đang giảm khoảng 10% so với đỉnh điểm năm 2023; các chất phụ gia và nguyên vật liệu khác cũng giảm khoảng 5 – 10%. Tuy nhiên, với những DN chưa có nhiều đơn hàng, triển vọng còn bấp bênh thì sẽ do dự hơn trong việc vay tiền để trữ nguyên vật liệu.
Để hỗ trợ các DN tìm kiếm đơn hàng, nhiều hội chợ lớn đã được đẩy mạnh tổ chức nhằm kết nối DN sản xuất trong nước với các nhà mua hàng quốc tế. Điển hình như Hội chợ Quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) lần thứ 15 được tổ chức từ ngày 26 đến 29/2 với hơn 600 DN đăng ký gần 2.000 gian hàng trên tổng diện tích gần 36.000 m2. Có hơn 3.500 lượt khách quốc tế đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham quan VIFA EXPO 2024. Tiếp đó, vào đầu tháng 3, Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TPHCM (HAWA EXPO) cũng sẽ được tổ chức với quy mô cũng rất lớn.
Còn trong ngành dệt may, từ ngày 28/2 đến 2/3, Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 (VIATT 2024) cũng sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam với trên 400 DN tham gia.
Với việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức liên tục với quy mô lớn, các DN đều kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những đơn hàng mới, bù đắp vào khoảng trống của những đơn hàng đang bị giảm sút trong thời gian qua.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn