Trúng nhiều lô hàng lớn vẫn thua lỗ
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta tiếp tục tăng mạnh, đạt 3,2 triệu tấn (tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái), với trị giá gần 2,2 tỷ USD (tăng 36,5%). Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22%.
So với mức 3,5 tỷ USD ngành gạo mang về mỗi năm của những năm trước, con số trên cho thấy ngành gạo của Việt Nam đang ở trong giai đoạn ăn nên làm ra chưa từng có.
Điều đáng nói, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gạo lại hoàn toàn trái ngược, điển hình như doanh nghiệp lúa gạo lớn hàng đầu Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.
Trong quý I, doanh thu thuần của Tập đoàn Lộc Trời đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Song biên lợi nhuận gộp trong kỳ lại giảm từ 11,1% xuống 6,4% do giá vốn tăng mạnh cùng với áp lực lớn từ chi phí tài chính.
Riêng lãi vay quý đầu năm của Tập đoàn Lộc Trời là 126 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 105 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần khiến lợi nhuận trước thuế quý I âm 86,4 tỷ đồng, cao hơn mức âm 77,2 tỷ đồng của quý I năm trước.
Nhiều doanh nghiệp Việt thường ký hợp đồng mua bán gạo với đối tác nước ngoài sau đó mới tiến hành thu mua nên gặp khó trong trường hợp giá lúa trong nước biến động. |
Đặc biệt, mới đây Tập đoàn Lộc Trời còn nợ gần 1.000 nông dân với tổng số tiền gần 246 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân dẫn đến số nợ trên là do lượng lúa thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó khăn trong thu xếp dòng tiền từ vay vốn của các ngân hàng để thanh toán cho nông dân chưa kịp thời. Cùng với đó, phương thức vay của các ngân hàng có thay đổi nên doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn vay.
Một doanh nghiệp lúa gạo lớn khác là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng gặp tình trạng tương tự. Trong quý I, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 715 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An báo lãi sau thuế là 2,7 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được doanh nghiệp cho biết do chi phí sản xuất tăng cao hơn cùng kỳ mọi năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang , Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)…trong quý I cũng thể hiện hoạt động kinh doanh thất thường khi thua lỗ, hoặc lợi nhuận không đáng kể. Có doanh nghiệp doanh thu đạt từ vài nghìn tỷ đồng song lợi nhuận mỏng như lá lúa khi đạt vỏn vẹn chỉ vài tỷ đồng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trên đều là những đơn vị trúng thầu cung cấp gạo với số lượng rất lớn ngay trong quý I. Điển hình, như gói thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Indonesia, riêng Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Vinafood 1 và Vinafood 2, mỗi doanh nghiệp trúng 2 gói thầu; Công ty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty TNHH lương thực Phát Tài, mỗi doanh nghiệp trúng 1 gói thầu.
Chưa có hàng vẫn ký hợp đồng
Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp gạo càng xuất nhiều càng thua lỗ là do thiếu thông tin thị trường và chủ quan dẫn đến dự báo sai.
Theo ông Nam, giá gạo thường bị tác động bởi các yếu tố chính trị nên có độ nhạy cảm cao, đồng thời biên độ lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp càng rủi ro. Trong nhiều trường hợp, không ít doanh nghiệp Việt nhận định sai về tình hình quốc tế, nhu cầu thị trường đã phải trả giá khi giá gạo thay đổi trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) - cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thường quen ký hợp đồng với nước ngoài sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng.
Cùng với đó, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao cũng góp phần làm tăng thêm thua lỗ.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho rằng, trên thực tế sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lúa gạo Việt Nam rất gay gắt và không lành mạnh.
Khi thị trường xuất khẩu sôi động, doanh nghiệp sẵn sàng nâng giá mua cao hơn mặt bằng chung để gom cho đủ số lượng khiến các doanh nghiệp khác hoặc phải nâng giá theo, hoặc không mua được hàng; đồng nghĩa với việc chịu lỗ hoặc mất uy tín với khách hàng. Ngược lại khi thị trường trầm lắng, có doanh nghiệp chỉ vì muốn bán được vài lô hàng nên âm thầm chào bán giá thấp hơn, tạo cơ hội để khách hàng ép giá gạo Việt xuống thấp
Theo ông Bình, điều này không chỉ diễn ra ở xuất khẩu gạo mà còn có thể nhìn thấy rõ ở hoạt động xuất khẩu sầu riêng trong thời gian qua. Đây cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhất là nạn tranh mua, tranh bán, ép mua, ép bán, bẻ cọc…
“Tình trạng này không chỉ tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu mà còn làm cho bản thân các doanh nghiệp này khó có thể thu được lợi nhuận lâu dài”, ông Bình cho hay.