Doanh thu lên cao nhất 5 năm, Dệt may Phong Phú (PPH) sắp chia nốt cổ tức tiền mặt
Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Dệt may Phong Phú, mã cổ phiếu PPH - sàn UPCoM) vừa thông báo chốt quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2024 bằng tiền mặt vào ngày 11/1/2025. Tỷ lệ thực hiện quyền là 14%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 1.400 đồng cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 20/1/2025.
Với 74,67 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Dệt may Phong Phú cần chi khoảng 104,5 tỷ đồng để trả cổ tức. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) sẽ nhận được 52 tỷ đồng cổ tức khi đang là công ty mẹ sở hữu 50,1% vốn điều lệ tại Dệt may Phong Phú.
Trước đó, Dệt may Phong Phú đã hoàn tất việc chia cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Như vậy, nếu chia cổ tức đợt 2 thành công, tổng tỷ lệ cổ tức của tổng công ty sẽ là 20%, hoàn thành kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 giao.
Dệt may Phong Phú vốn là doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ từ 12%/năm. Trong giai đoạn 2022 - 2023, tổng công ty đã chia cổ tức với tỷ lệ cao kỷ lục, đạt 30%.
Về hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo Dệt may Phong Phú ước tính doanh thu năm 2024 đạt 2.550 tỷ đồng và lãi trước thuế ước đạt 352 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 10% so với năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của Dệt may Phong Phú.
Năm 2024, Dệt may Phong Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 330 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh ước tính như trên, tổng công ty này có thể hoàn thành được 98% chỉ tiêu doanh thu và 107% chỉ tiêu lãi đã đề ra.
Trong năm 2025, Dệt may Phong Phú lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 2.600 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 355 tỷ đồng, tương đương so với với kế hoạch năm 2024.
Đánh giá về triển vọng của Dệt may Phong Phú, một số tổ chức tài chính kỳ vọng hoạt động kinh doanh của tổng công ty này có thể tăng trưởng tốt trong bối cảnh ngành Dệt may Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong thời gian tới.
Trong năm 2024, nhờ xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh..., cùng với sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp, ngành Dệt may toàn quốc đã có sự cải thiện đáng kể. Dữ liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.
Xu hướng tăng trưởng này được dự báo sẽ có thể duy trì sang năm 2025. Trong kịch bản tích cực, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2024.
Xem thêm tại tapchicongthuong.vn