Doanh thu năm 2023 lập kỷ lục, một doanh nghiệp chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt 144%, quá khứ từng bạo chi cổ tức hơn 500%
Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (mã WCS) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 14.400 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để nhận tạm ứng cổ tức là 15/3 và ngày thanh toán là 28/3. Với 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Bến xe Miền Tây sẽ chi 36 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông.
Tỷ lệ cổ tức vừa công bố vượt xa so với kế hoạch được thông qua trước đó. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, WCS cho biết tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 sẽ căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp và tỷ lệ không thấp hơn 20%.
Đặc biệt, đây cũng là mức cổ tức cao nhất của WCS trong vòng 3 năm trở lại đây. Bến xe Miền Tây được biết đến là một trong những doanh nghiệp có chính sách cổ tức cao, đều đặn 20%. Thậm chí, năm 2018 và năm 2019 doanh nghiệp trả cổ tức cao ngất ngưởng lên đến 400% và 516%.
Trên thị trường, WCS là một trong những cổ phiếu có thị giá đắt nhất sàn chứng khoán. Cập nhập phiên sáng 1/3, thị giá WCS vượt 200.000 đồng/cp, tăng nhẹ 7,5% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, thanh khoản của mã này khá thấp chỉ vỏn vẹn vài trăm đến vài nghìn đơn vị, thậm chí có phiên không phát sinh giao dịch nào.
Nguyên nhân có thể do cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này khá cô đặc. Hiện tại, Bến xe Miền Tây có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 51%, tiếp đến là America LLC sở hữu 23,08% và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10%.
Tỷ lệ cổ tức tăng vọt được chốt sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 2023 khả quan. Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của WCS đạt mức kỷ lục hơn 140 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước và vượt 17% chỉ tiêu doanh thu (120 tỷ đồng). Lãi sau thuế tăng mạnh 73% lên gần 67 tỷ đồng - mức lợi nhuận cao nhất của Doanh nghiệp trong 4 năm qua, từ năm 2020 và vượt gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm (45 tỷ đồng).
Theo lý giải của ban lãnh đạo, nguồn thu cải thiện nhờ lệnh cấm xe giường nằm vào khu vực nội đô từ đầu năm, khiến các doanh nghiệp vận tải đưa xe vào bến hoạt động. Công ty áp dụng thu tiền giá dịch vụ xe ra - vào bến theo biểu đồ xe chạy được cơ quan quản lý tuyến phê duyệt.
Bến xe Miền Tây là một trong những bến xe lớn nhất TP.HCM, có diện tích hơn 4,7ha, được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1973. Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở GTVT TP.HCM. Năm 2006, Bến xe Miền Tây chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, và tới năm 2020 niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Xem thêm tại cafef.vn