ĐỔI ĐỜI NHỜ CÂY CAO SU (*): PHÁT TRIỂN NGUỒN LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TẠI CHỖ

VRG sẽ tiếp tục đào tạo những lao động người Campuchia, Lào và đồng bào dân tộc thiểu số có năng lực để bố trí giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo

Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về định hướng trong công tác điều hành, quản lý lao động tại VRG.

Đổi đời nhờ cây cao su (*): Phát triển nguồn lãnh đạo, quản lý tại chỗ- Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)

. Phóng viên: Thưa ông, qua loạt bài "Đổi đời nhờ cây cao su", bạn đọc đã hình dung về đời sống của các lao động đồng bào thiểu số, lao động nước ngoài tại các công ty thành viên VRG. Trong thời gian tới, VRG có những giải pháp gì để giữ vững nguồn lao động?

- Ông LÊ THANH HƯNG, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG): Trước sự cạnh tranh gay gắt nguồn lao động từ các ngành nghề công nghiệp khác như giày da, may mặc... do mở rộng sản xuất và quy mô. VRG đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình, trên tinh thần làm sao để thu nhập công nhân cao su tăng hơn, cao hơn mặt bằng chung ở địa phương cùng nhiều phúc lợi đi kèm. Trong đó, nghiên cứu tăng thêm hình thức giao khoán trong công việc để tăng năng suất, thu nhập cũng như tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế hộ gia đình ngoài giờ làm việc tại công ty.

Các công ty khi cần tuyển dụng lao động sẵn sàng nhận lại những lao động tại chỗ từng làm việc trước đây, bởi họ đã có kinh nghiệm, để tiết kiệm chi phí đào tạo, tuyển dụng cũng như chỗ ở. Các đơn vị còn áp dụng nguyên tắc sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi và Công đoàn một cách tiết kiệm, tranh thủ sự ủng hộ các nguồn từ Công đoàn cấp trên nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, công khai, minh bạch đơn giá tiền lương và chế độ chính sách cho người lao động, thường xuyên đối thoại định kỳ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và đồng cảm với doanh nghiệp trong lúc khó khăn về các chính sách an sinh xã hội như: trang cấp bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng độc hại, tiền ăn giữa ca...

. Lao động người nước ngoài và lao động đồng bào thiểu số không chỉ tham gia sản xuất trực tiếp mà nhiều người còn giữ các vị trí quản lý ở công ty. Ông có thể cho biết định hướng của VRG trong việc này?

- VRG sẽ tiếp tục đào tạo những lao động người nước ngoài và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở các công ty, đơn vị trong và ngoài nước có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, giỏi về quy trình kỹ thuật để bố trí giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm tuyên truyền, nêu gương cho những lao động còn lại tiếp tục cố gắng luyện tay nghề, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập.

Việc đào tạo và bổ nhiệm cán bộ, công nhân viên là người Lào, Campuchia hay người đồng bào các dân tộc thiểu số ở những công ty thuộc VRG nhằm thực hiện tốt việc trao đổi và truyền đạt kỹ thuật, quy trình quản lý kỹ thuật được tốt hơn. Bởi, họ biết được văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc mình nên quản lý hiệu quả hơn.

Nguyên tắc chung, người lao động trải qua thời gian công tác nếu làm việc tốt sẽ được xem xét bố trí giữ các chức vụ cao hơn. Thời gian qua, đã có rất nhiều lao động người nước ngoài và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nữ ở khu vực biên giới được cất nhắc lên các vị trí quan trọng ở cấp tổ, cấp đội, ban giám đốc nông trường, các phòng ban công ty và những chức vụ khác trong tổ chức, đoàn thể.

Trong tương lai, VRG tiếp tục duy trì chủ trương trên, quy định tỉ lệ % cán bộ quản lý là người thiểu số, nữ trong các vị trí liên quan. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện quy hoạch, đào tạo đội ngũ này để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu công việc để bổ nhiệm.

Đổi đời nhờ cây cao su (*): Phát triển nguồn lãnh đạo, quản lý tại chỗ- Ảnh 2.

Ông Buong Sophorn (bìa trái), Trưởng Phòng Thanh tra và ông Moeurng Vanny, Phó Giám đốc Nông trường 3 thuộc Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom. Đây là 2 lao động người Campuchia đảm nhận vai trò quản lý. Ảnh: AN NA

. Bên cạnh giải pháp chủ động của VRG, tập đoàn có kiến nghị gì đến cơ quan quản lý để ổn định lao động tại chỗ, đặc biệt là tại các công ty đóng trên địa bàn biên giới?

- Chúng tôi mong cơ quan chức năng hỗ trợ các công ty thành viên trong công tác tuyên truyền cho người lao động về chế độ chính sách, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội để họ yên tâm công tác. Hỗ trợ các công ty về các chi phí đầu tư lao động người nước ngoài như visa, sổ lao động, làm thẻ lao động cho người lao động Việt Nam tại Lào, Campuchia. Đối với lao động người Lào, Campuchia, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao trình độ học vấn. Tập đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng chấp thuận cho doanh nghiệp ngành cao su được hưởng cơ chế đặc thù theo Nghị định 21/2024/NĐ-CP về việc xem xét các yếu tố đặc thù đối với doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội...

. Để các dự án cao su ở biên giới và nước bạn thành công, không thể kể đến đội ngũ cán bộ chủ chốt từ các công ty mẹ. Họ chấp nhận xa nhà, đi khai phá vùng đất mới. Chính sách mà VRG dành cho đội ngũ này là gì?

- Ngay từ những ngày đầu khi có chủ trương đầu tư các dự án trồng cao su tại nước bạn, VRG đã chỉ đạo các đơn vị thành viên phải nghiên cứu xây dựng quy chế tuyển dụng và chính sách đãi ngộ phù hợp.

Theo đó, cán bộ công tác ở các dự án tại nước ngoài có chính sách luân chuyển điều động, xây dựng quy chế "có đi thì phải có về". Nghĩa là đưa cán bộ đi làm việc xa nhà, xa gia đình, xa quê hương phải có chế độ cho họ được quay trở về làm việc tại đơn vị cũ, giữ nguyên chức vụ hoặc được bổ nhiệm chức vụ cao hơn theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Các lao động được bảo hộ về tính pháp lý giữa 2 quốc gia, có chế độ nghỉ phép, lương, thưởng tương xứng với điều kiện làm việc.

Trên thực tế, VRG và các đơn vị đã làm tốt việc này. Điển hình, có người là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Phú Kratie (Campuchia), sau khi hết nhiệm kỳ công tác được trở về công ty mẹ bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc. Có người trước đây là chuyên viên Văn phòng Đại diện VRG tại Campuchia đã được tập đoàn điều động về bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Tập đoàn và hiện giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa... Đó là những cán bộ trẻ, năng động, có trình độ, nằm trong kế hoạch tạo nguồn cho các vị trí lãnh đạo tại VRG trong tương lai. 

Dự kiến lợi nhuận tăng gần 9% so với kế hoạch

VRG là tập đoàn kinh tế nhà nước có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Địa bàn hoạt động của VRG trải rộng trên 34 tỉnh, thành phố trong nước và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Diện tích cao su VRG đang quản lý là gần 371.000 ha. VRG hiện có khoảng 42.000 lao động là người Lào, Campuchia và đồng bào dân tộc thiểu số - chiếm 52,5% lao động toàn tập đoàn.

Về tình hình sản xuất - kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu VRG đạt 16.207 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 2.386 tỉ đồng. Ước cả năm 2024, tổng doanh thu VRG đạt được là 26.307 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.437 tỉ đồng - lần lượt tăng hơn 5% và gần 9% so với kế hoạch đề ra.

https://nld.com.vn/doi-doi-nho-cay-cao-su-phat-trien-nguon-lanh-dao-quan-ly-tai-cho-19624102422142267.htm

Xem thêm tại vnrubbergroup.com