Đối thoại doanh nghiệp ngành Dược: Cải cách, đổi mới và chuyển đổi số
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp dược đã trở thành sự kiện thường niên quan trọng, được các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong ngành mong đợi. Năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp dược lần thứ ba vào ngày 18/12/2024 tại Quảng Ninh. Hội nghị do Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì với sự tham gia trực tiếp của đông đảo các doanh nghiệp dược cùng hơn 500 điểm cầu tham dự trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, những nỗ lực của Bộ Y tế trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp dược ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính, một số khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Do đó, liên tiếp trong 3 năm qua, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp Dược để cơ quan quản lý có thể trực tiếp lắng nghe các tâm tư, chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp dược. Qua đó có thể ghi nhận các kiến nghị, đề xuất phù hợp để cải thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng thuốc, giá cả hợp lý, đảm bảo đủ thuốc phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân," Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.
Nỗ lực giải quyết các kiến nghị từ doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: Trong năm 2023, Cục Quản lý dược đã tổng hợp 114 ý kiến góp ý theo các nhóm lĩnh vực: Đăng ký lưu hành thuốc; Quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc; Kinh doanh dược và quản lý chất lượng thuốc; Trong đó, Cục Quản lý Dược đã tiếp thu, giải quyết 63 ý kiến; 51 ý kiến còn lại bao gồm các ý kiến không tiếp thu và các ý kiến phải sửa đổi, bổ sung tại các văn bản dưới luật: cần xem xét kỹ lưỡng, đang tiếp tục cân nhắc để có hướng giải quyết phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.
Năm 2024, Cục Quản lý Dược đã nhận 284 kiến nghị theo các lĩnh vực: (i) Đăng ký thuốc lưu hành thuốc: 155; (ii) Quản lý giá thuốc, đấu thầu mua thuốc: 50; (iii) Quản lý kinh doanh dược: 29; (iv) Quản lý chất lượng: 50. Cục quản lý Dược sẽ tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp, rà soát và trình lãnh đạo Bộ Y tế các ý kiến góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp.
Ông Lê Việt Dũng cho biết: " Năm 2024 Bộ Y tế đã thực hiện công bố 17 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2024 với tổng số 13.900 thuốc (10.702 thuốc trong nước, 2.946 thuốc nước ngoài, 252 vaccine, sinh phẩm y tế) theo Nghị quyết 80/2023/QH15 của Quốc Hội; Đồng thời, đã thực hiên cấp, gia hạn cho 12.333 thuốc theo quy định của Luật Dược 2016, gần bằng tổng số lượng thuốc đã được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong 05 năm gần đây. duy trì thường xuyên có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, đảm bảo nguồn cung thuốc liên tục. Chúng tôi cũng tổ chức 34 cuộc họp hội đồng tư vấn để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ."
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp dược năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc Hội thông qua ngày 21/11/2024. Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị đánh giá Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực thi hành góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý ngành Dược, góp phần vào việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mong muốn Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược và các đơn quan có liên quan tiếp tục quan tâm, tháo gỡ, giải quyết những tồn tại để thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng trưởng bền vững: Từ cải cách chính sách đến chuyển đổi số
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu: "Chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi giúp ngành dược Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Chúng tôi đang đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới và phát triển bền vững."
Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Digital, Tập đoàn FPT đã có bài tham luận với thông điệp "Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà là sự đổi mới tư duy quản trị. Việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp dược ra quyết định nhanh hơn, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất và cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững trong hệ sinh thái số."
Chủ tịch FPT Digital đã đúc kết những kinh nghiệm quan trọng qua quá trình triển khai thành công các dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực dược. Trong đó, sự quyết tâm và dẫn dắt từ lãnh đạo là yếu tố tiên quyết. Lãnh đạo không chỉ định hướng chiến lược mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai, truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho toàn bộ đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, con người là trung tâm của chuyển đổi số. Đào tạo, nâng cao kỹ năng và trang bị tư duy số cho nhân viên là bước đi cốt lõi để họ làm chủ công nghệ và thích ứng với các thay đổi.
Với sự quyết tâm từ các cơ quan quản lý và nỗ lực của doanh nghiệp, ngành dược Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái thông minh, ứng dụng công nghệ số toàn diện. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong thời đại mới.
Xem thêm tại cafef.vn