Đối thủ của Hòa Phát và Formosa trồng 1 triệu ha rừng tại châu Phi, phục vụ tổ hợp thép xanh 100.000 tỷ đồng sắp khởi công
Ngày 7/2, Công ty TNHH Thương mại và Nông nghiệp Khang An (thành viên của Tập đoàn Xuân Thiện) và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, chọn giống và phát triển trồng bạch đàn bền vững tại Angola.
Thỏa thuận này nhằm phục vụ dự án trồng 1 triệu ha rừng bạch đàn, cung cấp nhiên liệu cho nhà máy sản xuất gang thỏi xanh của Xuân Thiện tại Angola. Cụ thể, tập đoàn sẽ nghiên cứu chọn giống, sản xuất giống và trồng rừng với chu kỳ khai thác khoảng 6 - 7 năm, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất than củi làm nhiên liệu.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc sử dụng than từ gỗ bạch đàn giúp tạo ra lượng khí O₂ lớn từ rừng trồng, qua đó giúp quá trình sản xuất phát thải -700kg CO₂ trên 1 tấn gang thỏi xanh (sản xuất 1 tấn gang thỏi bằng nhiên liệu hóa thạch như than cốc sẽ thải ra khoảng 2 tấn CO₂, dùng cây bạch đàn làm nguyên liệu có thể hấp thụ khoảng 2,7 tấn CO₂ trong quá trình quang hợp).
Cây bạch đàn được Tập đoàn Xuân Thiện ươm trồng tại Angola |
Tập đoàn Xuân Thiện đã có hơn một thập kỷ đầu tư tại châu Phi và chính thức triển khai các dự án tại Angola từ đầu năm 2023. Angola là quốc gia có diện tích hơn 1,2 triệu km², lớn thứ hai châu Phi và sở hữu tài nguyên phong phú. Ngoài nhà máy sản xuất gang thỏi xanh, Xuân Thiện còn sở hữu mỏ quặng sắt với trữ lượng trên 300 triệu tấn tại đây. Gang thỏi xanh và quặng sắt từ Angola sẽ được vận chuyển về Việt Nam, làm nguyên liệu cho tổ hợp thép xanh trị giá gần 100.000 tỷ đồng đang triển khai tại Nam Định.
Mỏ quặng sắt tại Angola của Tập đoàn Xuân Thiện |
Tổ hợp Thép xanh Nam Định do Xuân Thiện đầu tư đặt tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, gồm 3 nhà máy: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, vốn đầu tư 900 tỷ đồng; Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (83,93ha), vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm; Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (284,97ha), vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng, công suất 7,5 triệu tấn/năm.
Mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án trong quý II/2025.
Khi toàn bộ tổ hợp đi vào hoạt động, Xuân Thiện sẽ cung cấp ra thị trường 9,5 triệu tấn thép/năm, trong đó chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC) với công suất khoảng 7,5 triệu tấn/năm. Điều này đồng nghĩa với việc Xuân Thiện sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 nhà sản xuất HRC lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn