Đón đầu nhu cầu phục hồi, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) củng cố vị thế tại miền Bắc
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Hoa Sen Hà Nam từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Hoa Sen Hà Nam hiện là công ty con do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 100% vốn.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết việc tăng vốn là nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn cho việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư của công ty.
Trước đó, vào giữa tháng 11/2024, tập đoàn này đã quyết định thành lập Tổng kho Hà Nam tại Cụm công nghiệp Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam). Bên cạnh việc hoạt động như kho hàng, tổng kho này còn đăng ký hoạt động sản xuất tôn mạ, thép mạ, sản phẩm nhựa và vật liệu xây dựng, nhằm phục vụ 15 tỉnh thành phía Bắc, từ Hà Nội đến các tỉnh biên giới như Lạng Sơn.
Theo đánh giá của một số hãng chứng khoán, loạt động thái trên được kỳ vọng sẽ giúp Tập đoàn Hoa Sen củng cố hơn nữa vị thế tại miền Bắc - thị trường trọng điểm của tập đoàn này.
Dữ liệu tổng hợp của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hoa Sen giữ vị thế là doanh nghiệp tôn mạ lớn nhất thị trường nội địa, chiếm 26,2% thị phần. Đối với hai thị trường miền Bắc và miền Trung, tập đoàn này lần lượt chiếm 34,4% và 33,6% thị phần, bỏ xa so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Tập đoàn Hoà Phát (chiếm 18,3% và 17%).
SSI Research dự báo nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.
Xem thêm: "Ngành thép Việt Nam kỳ vọng gì trong năm 2025?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đông - Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP.Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
Với lợi thế dẫn đầu về thị phần và hệ thống 400 đại lý phân phối trên cả nước, Tập đoàn Hoa Sen được kỳ vọng là đơn vị hưởng lợi trực tiếp đầu tiên từ các yếu tố thuận lợi trên. Về yếu tố giá, SSI Research nhận định áp lực lên giá thép nói chung, sản phẩm tôn mạ tại Việt Nam trong năm nay sẽ giảm xuống khi Trung Quốc đang có tín hiệu giảm dần xuất khẩu thép cũng như giảm sản lượng thép thô.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen còn được hỗ trợ từ việc Bộ Công Thương gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc thêm 05 năm (đến tháng 10/2029).
Dữ liệu lịch sử cho thấy, trong đợt áp thuế hồi năm 2016, tập đoàn này đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Vừa qua, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cũng đã thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ từ 380 tỷ lên 700 tỷ đồng nhằm mở rộng kinh doanh. Tập đoàn Hoa Sen hiện chi phối 100% vốn tại Hoa Sen Phú Mỹ.
Hoa Sen Phú Mỹ đang vận hành 01 dây chuyền ống thép công suất 332.000 tấn/năm và 01 dây chuyền ống thép mạ kẽm nhúng nóng công suất 85.000 tấn/năm.
Xem thêm tại tapchicongthuong.vn