Đón doanh nghiệp FDI lên sàn: Chờ làn sóng mới sau nhiều năm vắng bóng
TTCK Việt chưa đủ hấp dẫn
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX và UPCoM), tuy nhiên số lượng doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mức 9 đơn vị. Trong đó, thời điểm gần đây nhất mà 1 doanh nghiệp FDI lên sàn là vào 7 năm trước (năm 2017), khi Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam (HoSE: SBV) niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Các doanh nghiệp FDI trên sàn niêm yết chủ yếu trong giai đoạn 2003-2010, khi Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển đổi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần ra đời. Hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này không ổn định khi lợi nhuận trồi sụt, thậm chí một số doanh nghiệp có nhiều năm kinh doanh thua lỗ, đến mức phải chuyển sàn hoặc bị huỷ niêm yết và không quay trở lại sàn chứng khoán.
Số lượng thưa thớt, kinh doanh không ổn định, cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI trên sàn cũng không hấp dẫn nhà đầu tư khi thanh khoản nhìn chung khá èo uột, thị giá trượt dài xuống dưới mệnh giá, một số cổ phiếu không có thanh khoản.
Lý giải về thực trạng này, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Cổ phần VICK, chia sẻ với Đầu tư Tài chính rằng các doanh nghiệp FDI trên sàn chưa tạo ra dấu ấn đối với nhà đầu tư khi biên lợi nhuận và hiệu suất đầu tư không cao. Sản phẩm mà các doanh nghiệp này sản xuất, gia công chủ yếu cho quốc gia thứ ba, do đó không quen thuộc đối với người Việt, chưa tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp FDI trên sàn đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất dây thừng, lưới phục vụ ngành đánh bắt thuỷ sản, sản xuất chăn ga gối đệm, sản phẩm gòn, sản phẩm bằng nhôm, gạch thạch anh phản quang, gạch men, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm đồ uống, thức ăn chế biến sẵn, sản xuất dây, cáp điện, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, sản xuất điện tử dân dụng, đồ điện dân dụng;…
Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam không thiếu doanh nghiệp FDI có vốn lớn, tuy nhiên quy mô thị trường chứng khoán trong nước còn nhỏ, chưa đủ hấp dẫn, không đủ tạo ra lợi ích như huy động vốn hay tạo dựng hình ảnh để phát triển cho những doanh nghiệp này.
Hiện Việt Nam cũng không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp FDI phải niêm yết trên sàn. Do đó, các doanh nghiệp này có thể lựa chọn niêm yết tại thị trường khác, trong bối cảnh thị trường trong nước còn kém hấp dẫn, điều này khiến cho số lượng niêm yết trên sàn còn thưa thớt.
Cú hích nâng hạng
“Thực trạng này sẽ thay đổi khi thị trường chứng khoán được nâng hạng”, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết. Theo đó, khi được nâng hạng, vốn đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường ở quy mô lớn, lên tới 8-10 tỷ USD. Với số vốn lớn như vậy, quy mô thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên, kênh chứng khoán trong nước sẽ hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp FDI.
“Chúng ta đã có những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đầu ngành trong nước niêm yết trên sàn, nhưng các doanh nghiệp FDI lớn thì hiện chưa có. Lợi ích đầu tiên của việc đón thêm các doanh nghiệp FDI lớn niêm yết là thêm màu sắc cho thị trường chứng khoán”, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho biết.
Theo ông, khi quy mô và vốn hoá của thị trường chứng khoán tăng lên, việc thu hút được các doanh nghiệp FDI lớn lên sàn sẽ đồng thời thu hút dòng vốn của những quốc gia đã đầu tư vào doanh nghiệp FDI đó như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ. Lực lượng nhà đầu tư ngoại này khi tham gia vào sàn chứng khoán Việt sẽ mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường trong nước.
Tuy nhiên, để đón được “đại bàng” lên sàn, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho rằng Chính phủ phải tạo hành lang pháp lý, có cơ chế và sự hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp FDI. Cùng với đó, phải tạo một khoảng trống thời gian để các doanh nghiệp này thích nghi với thị trường chứng khoán cũng như các quy định của pháp luật.
Trên thực tế, một vài “ông lớn” FDI đã từng ngỏ ý muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Việt như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Theo đó, hồi tháng 4/2022, Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của C.P Việt Nam từng thông báo lên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan về việc HĐQT của CPF đã chấp thuận cho C.P Việt Nam được đăng ký thủ tục trở thành công ty đại chúng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông thiểu số. Khi được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan, C.P Việt Nam sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên HoSE.
Tuy nhiên, câu chuyện đã trôi qua gần 2 năm và doanh nghiệp này vẫn chưa có động thái dứt khoát nào về kế hoạch niêm yết. Trước đó, vào tháng 11/2021, “đại gia” ngành bán lẻ Nhật Bản là AEON cũng từng đề cập về kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt. Dù tập đoàn bán lẻ này không ngừng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua, các nhà đầu tư vẫn chưa thấy cổ phiếu của AEON có mặt trên thị trường chứng khoán trong nước.
Dù doanh nghiệp FDI trên sàn có phần thưa thớt, những doanh nghiệp niêm yết do khối ngoại nắm quyền sở hữu chi phối (trên 51%) lại không hề ít và phần nhiều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành như Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP), Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hoà (HoSE: SVI), Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG), Công ty Cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (HoSE: IMP).
Xem thêm tại vietnamfinance.vn