Đơn hàng khởi sắc, doanh nghiệp tăng tốc ngay từ những ngày đầu năm

Đơn hàng tăng, thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc. Bởi vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất-kinh doanh để có thể đạt mục tiêu cao nhất trong năm nay.

Sáng 3/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán), toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Dệt may Huế đã ra quân mở máy ngày đầu năm trong khí thế hăng say, quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 đã đề ra.

Theo đại diện của công ty, năm 2024 bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh với cầu tiêu dùng suy giảm, ngành dệt may đối mặt với cạnh tranh khốc liệt và các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe từ Mỹ và EU nhưng Dệt may Huế đã vượt qua nhiều thách thức để đạt kết quả ấn tượng với doanh thu tăng 5,7% so với năm 2023, lợi nhuận hoàn thành 122,2% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng nộp ngân sách 53 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch/năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Với những kết quả đạt được, năm 2025, Dệt may Huế đặt mục tiêu doanh thu 2.070 tỷ đồng, lợi nhuận 140 tỷ đồng. Cùng đó là hướng đến sự phát triển bền vững với trọng tâm cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, mở rộng thị trường…

Không còn khái niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi,” ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, thậm chí làm xuyên Tết để kịp giao hàng cho các đối tác.

Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Việt chia sẻ doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu tới hết nửa năm 2025. Mỗi tháng, trung bình doanh nghiệp phải xuất khẩu 100.000 đôi dép sang Trung Đông, với ít nhất 6 container 40 feet.

Còn theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), ngay sau kỳ nghỉ Tết, tất cả các doanh nghiệp hội viên của HANSIBA đã ra quân thực hiện hoạt động tổ chức sản xuất đầu năm với khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh được từng doanh nghiệp đề ra và kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa trong năm mới.

"Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội, các Công ty thành viên HANSIBA sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường từ nội địa hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới trong tổ chức sản xuất tại từng đơn vị," ông Nguyễn Vân cho hay.

vnp_NHH6.JPG
Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Công ty Tôn Phương Nam, khởi đầu năm mới 2025 doanh nghiệp đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên với 3.000 tấn tôn mạ kẽm được vận chuyển trên tàu MV ILIA (ILIB-003) tới thị trường châu Âu. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước mở đầu cho một năm đầy sôi động của hoạt động xuất khẩu tại Tôn Phương Nam trong dịp Tết Nguyên đán.

Không dừng lại ở đó, trong những ngày xuân này, các lô hàng tiếp theo sẽ tiếp tục được xuất khẩu trên các tàu quốc tế, cập bến các cảng lớn tại châu Âu như Antwerp (Bỉ), Sagunto (Tây Ban Nha), và Maghera (Italy). Dự kiến, tổng sản lượng xuất khẩu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025 sẽ đạt hơn 10.000 tấn, khẳng định vị thế hàng đầu của Tôn Phương Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tôn thép chất lượng cao.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt con số kỷ lục với 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% và nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023.

Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ hiệu quả từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, khơi thông thị trường cùng sự linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc thích ứng các tiêu chuẩn cao của nhà nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, công tác chuyển đổi số đã mở rộng không gian tăng trưởng cho doanh nghiệp, trong đó Rạng Đông đã tập trung vào sản xuất thông minh, đặc biệt là phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như đầu tư vào khâu nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo…

Đặc biệt, với việc thực hiện thành công chiến lược 5 năm chuyển đổi số (2020-2025), Rạng Đông đã đạt mặt bằng tăng trưởng mới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đã đạt từ 20%-25% (cao hơn 2 lần so với giai đoạn trước).

“Không những thế, sản phẩm của Rạng Đông đáp ứng được yêu cầu phát triển xanh của xã hội, khi cung cấp cho cộng động hệ sinh thái các sản phẩm sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện (sản phẩm thông minh), hiện sản phẩm của Rạng Đông đã xuất khẩu đi 47 nước trên thế giới,” ông Nguyễn Đoàn Kết cho hay.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết năm 2025 với những kỳ vọng bứt phá từ các thị trường được mở rộng, lĩnh vực xuất nhập khẩu phấn đấu tăng trên 10%-12% so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết Cục sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo lãnh đạo bộ điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng trong năm 2025 theo cam kết tại WTO và theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương khác, đảm bảo tuân thủ đúng cam kết và phù hợp với nội luật, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu đồng thời theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.

“Đơn vị sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp,” ông Trần Thanh Hải thông tin.

vnp_NHH2.jpg
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm. (Ảnh:

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm tới - năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu…

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Việt, cho hay năm 2025, thị trường đang rất rộng mở đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, với ngành giày dép cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng tốt các thị trường ngách, đầu tư thêm nguồn lực về con người, trình độ nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, cũng như chú trọng vào yếu tố bền vững vì đây là nhu cầu thị trường./.

Ngành dệt may nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị, hướng đến kỷ nguyên xanhNgành dệt may nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị, hướng đến kỷ nguyên xanh

Năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới. Đây là nỗ lực rất lớn trong việc tận dụng hiệu quả các FTA cùng các giải pháp về xúc tiến thương mại, thị trường.

Xem thêm tại vietnamplus.vn