Đón 'sóng' cổ phiếu ngành Bảo hiểm: 2 ông lớn được gọi tên
Cổ phiếu ngành Bảo hiểm đang có những dấu hiệu dậy “sóng” sau phiên giao dịch ngày 23/5. Theo đó, đồng loạt các cổ phiếu nhóm Bảo hiểm tăng mạnh như BVH (+6,95%), BMI (+6,95%), MIG (+6,84%), BIC (+4,84%). Đến phiên ngày 24/5, dấu hiệu tăng đang chững lại giữ giá.
Theo dữ liệu FiinTrade, những phiên gần đây dòng tiền đang đổ mạnh mẽ vào nhóm Bảo hiểm so với thời gian trước đó. Chỉ số FMI Absolute (FMI ABS) của ngành Bảo hiểm đang tăng lên mạnh mẽ những phiên gần đây. FMI Absolute (FMI ABS) là chỉ số dòng tiền tăng/giảm lũy kế vào một nhóm Ngành hoặc một Cổ phiếu theo thanh khoản khớp lệnh của cổ phiếu đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo phân tích kỹ thuật, các cổ phiếu ngành Bảo hiểm đang có dấu hiệu “break out” khỏi kháng cự và xác định xu hướng mới. Trước đó, nhóm cổ phiếu Bảo hiểm giao dịch khá “ảm đạm” không thu hút được dòng tiền.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, vốn hóa nhóm Bảo hiểm đạt 72.960 tỷ đồng, tăng 0,22% so với phiên trước đó. Khối lượng giao dịch phiên 24/5 đạt 4,8 triệu cổ phiếu. Xét theo nhóm nhà đầu tư, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 5,39 tỷ đồng, tổ chức trong nước bán ròng 1,13 tỷ đồng, tự doanh bán ròng 4,81 tỷ đồng và NĐT nước ngoài mua ròng 0,55 tỷ đồng.
Về KQKD quý I/2024, các công ty Bảo Hiểm đều ghi nhận KQKD quý này khả quan hơn so với quý cùng kỳ. Cụ thể, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã: BIC) báo cáo lợi nhuận ròng tăng 34,6% lên 105 tỷ đồng. Công ty cổ phần PVI (mã: PVI) đạt kỷ lục lợi nhuận mới trong quý I với 360 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) và Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (mã: MIG) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý đầu năm tăng 10% – 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tiềm năng của ngành Bảo hiểm
Theo FPT Digital, thị trường bảo hiểm toàn cầu được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,7%. Có 5 xu hướng chính của ngành Bảo hiểm toàn cầu sau đại dịch Covid bao gồm nhận thức về Bảo hiểm nâng cao, tối ưu hóa quy trình mua trên nền tảng số, đổi mới, cá nhân hóa sản phẩm cho khách hàng, phí bảo hiểm tăng và số hóa quy trình bồi thường.
Đối với Việt Nam, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đầu tiên, Chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%). Thứ hai, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra 2 cái tên trong ngành bảo hiểm mà nhà đầu tư nên nắm giữ.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, Công ty Cổ phần PVI (mã: PVI) là doanh nghiệp dẫn đầu mảng bảo hiểm phi nhân thọ trong nhiều năm. Hiện là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực phi nhân thọ với khoảng 14 – 15% thị phần.
Lợi nhuận quý I/2024 đạt kỷ lục. Quý I/2024, PVI đã công bố báo cáo tài chính ấn tượng khi tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Kết quả trong 3 tháng đầu năm công ty ghi nhận 361 tỷ đồng LNST của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng), tăng trưởng 41,5% svck và đây cũng là mức lãi ròng cao nhất một quý trong lịch sử của PVI.
PVI có hoạt động tài chính ổn định và tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn. Năm 2023, PVI dự kiến chi gần 750 tỷ đồng chia cổ tức 32% bằng tiền mặt, tỷ suất cổ tức trên thị giá 6,55%, là suất sinh lời hấp dẫn so với lãi tiền gửi hiện nay. PVI thích hợp cho quan điểm đầu tư hưởng cổ tức.
Ngoài ra, PVI có kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu LNTT đạt 1.080, như vậy công ty đã hoàn thành hơn 41% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau 1 quý. Bên cạnh đó, mức chi trả cổ tức tối thiểu 28,5% vốn điều lệ, tương ứng lợi suất 5,84%.
Một mã cổ phiếu khác là Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (mã: BIC) khởi động năm 2024 với kết quả ấn tượng, công ty ghi nhận hơn 107 tỷ đồng LNST, tăng trưởng hơn 34%. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng cao, ghi nhận 1.143 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng trưởng 19,8%. Chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong mảng bảo hiểm của BIC là mảng bảo hiểm sức khỏe chiếm 51,2%, tiếp đến là bảo hiểm cháy nổ đóng góp 18% và thứ 3 là bảo hiểm xe cơ giới chiếm 17,1%.
Hoạt động đầu tư tài chính thúc đẩy LNST tăng trưởng hơn 34%. Trong kỳ, hoạt động tài chính mang lại cho công ty 127,7 tỷ đồng lợi nhuận tăng trưởng 49,4%, đóng góp quan trọng giúp công ty ghi nhận 106 tỷ đồng LNST (+34,5% svck).
Doanh thu tài chính trong kỳ đóng góp chính từ 3 mảng bao gồm lãi tiền gửi 67,1 tỷ đồng (-7% svck); lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu và tín phiếu 13,79 tỷ đồng (+18,1%) và kinh doanh chứng khoán 44,98 tỷ đồng, tăng mạnh so với 112 triệu của quý 1/2023.
Trong kỳ BIC đã hiện thực hóa một phần danh mục đầu tư chứng khoán, giá trị danh mục đã giảm từ 432 tỷ vào 31/12/2023 về 393 tỷ đồng cuối kỳ.
Danh mục đầu tư cổ phiếu mang lại hiệu quả cao. Giá trị danh mục của BIC cuối quý 1/2024 đạt hơn 5.700 tỷ đồng (ngắn hạn 5.180 tỷ đồng và dài hạn 545 tỷ đồng). Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi và chứng khoán nợ) đạt 5.232 chiếm 93,3% tổng danh mục.
Danh mục chứng khoán kinh doanh trị giá 393 tỷ đồng không được công ty thuyết minh tại quý I/2024, tuy nhiên căn cứ danh mục cuối 2023, nhận thấy BIC tập trung và các doanh nghiệp đầu ngành có yếu tố kinh doanh tốt như FPT, VCB, ACV chiếm trên 50% danh mục.
Năm 2024, BIC tiếp tục kế hoạch tăng trưởng với mục tiêu tổng doanh thu 5.570 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 16% so với năm trước, chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất đạt 600 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn