Thách thức lớn cho nền kinh tế

Mirae Asset vừa đưa ra nhận định triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4, trong đó nhấn mạnh trước thời điểm công bố thuế quan, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu khi diễn biến giao dịch giữa các nhóm ngành đã trở nên phân hóa rõ rệt, và VN-Index dao động trong vùng kháng cự từ 1.300 - 1.330 điểm trong suốt 3 tuần liên tiếp.

Tâm lý tiêu cực cũng được phản ánh qua dòng vốn ETF, với giá trị rút ròng đạt 106 triệu USD (tương đương khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng). Làn sóng bán tháo này chủ yếu thông qua các quỹ ETF lớn tập trung vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là Fubon FTSE Vietnam (-1,7 nghìn tỷ đồng), DCVFMVN Diamond (-327 tỷ đồng), DCVFMVN30 (-321 tỷ đồng) và VanEck Vietnam (-123 tỷ đồng), phần nào bù đắp bởi dòng vốn vào KIM Growth VN30 (+18 tỷ đồng).

Trong các phiên giao dịch đầu tháng 4, các tin tức liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ đã một lần nữa kích hoạt động thái chốt lời, diễn ra trong bối cảnh bán tháo lan rộng trên các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và châu Á.

Tại Việt Nam, VN-Index phản ứng gần như ngay lập tức với mức giảm 6,7% vào ngày 3/4 khi 28 cổ phiếu thuộc VN30 giảm hết biên độ (-7%). Mặc dù thị trường ghi nhận những phiên có những tín hiệu phục hồi, nhưng lực cầu từ phía nhà đầu tư vẫn còn tương đối yếu.

Động lực nội tại là nền tảng vững chắc cho triển vọng của thị trường chứng khoán

Mirae Asset đánh giá, thuế đối ứng 46% do Hoa Kỳ áp đặt đang tạo ra thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam, từ xuất khẩu, FDI đến tăng trưởng GDP và ổn định tỷ giá. Việc áp dụng thuế quan trên diện rộng được xem là biện pháp để tái cân bằng thương mại toàn cầu và giảm thâm hụt của Mỹ, song đồng thời gây hiệu ứng dây chuyền lên các thị trường chứng khoán trọng điểm.

Để giảm thiểu tác động, Việt Nam đã chủ động cắt giảm thuế nhập khẩu với hàng Mỹ và tham gia các thỏa thuận song phương.

"Kết quả đàm phán của Việt Nam nhằm hạ mức thuế đối ứng hoặc đạt được các điều lệ miễn trừ đối với các mặt hàng trọng điểm sẽ giữ vai trò then chốt trong việc giảm thiểu các tác động bất lợi. Chính phủ đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh và khởi xướng những cuộc thảo luận cấp cao với phía Mỹ, tập trung vào hợp tác thương mại lâu dài. Nhìn chung, kéo dài thời gian đàm phán dường như là biện pháp khả thi nhất cho đến khi Việt Nam và Mỹ thành công đạt được thỏa thuận về những sáng kiến hợp tác thương mại mới" - nhóm phân tích Mirae Asset nhận định.

Về thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia của Mirae Asset dự báo, thị trường chứng khoán tiếp tục chịu áp lực đến khi kết quả đàm phán thuế quan có thêm những tín hiệu rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì quan điểm giao dịch thận trọng trong ngắn hạn, song song với việc theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán thương mại và các chỉ báo kinh tế vĩ mô.

Vẫn còn nhiều yếu tốt hỗ trợ từ nội tại

Theo Mirae Asset, mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán.

Những yếu tố hỗ trợ bao gồm trọng tâm của chính phủ vào tăng trưởng GDP được củng cố thông qua giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tốc đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện xu hướng tiêu dùng nội địa, cùng với kỳ vọng mới về khả năng nâng hạng thị trường trong bối cảnh VN-Index hiện đang giao dịch ở vùng dưới một lần độ lệch chuẩn so với mức P/E bình quân 10 năm.

Động lực nội tại là nền tảng vững chắc cho triển vọng của thị trường chứng khoán
Động lực nội tại là nền tảng vững chắc cho triển vọng của thị trường chứng khoán. Ảnh: T.L

Còn trong nhận định mới đây nhóm phân tích MBS cho rằng, thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn. Điều này là nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.

Dù vậy, MBS cũng lưu ý trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, còn có một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Ở bối cảnh thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ vẫn chưa chấm dứt.

Với tác động kém tích cực từ chính sách thuế quan, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng tới. Về yếu tố mùa vụ, tháng 4 đến tháng 5 cũng đồng thời là thời điểm “vùng trống thông tin”, không có thông tin tích cực hỗ trợ, vì vậy diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VN- Index lớn hơn.

Ở bối cảnh trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 đồng (tăng 1,3% so với đầu năm), tỷ giá tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000 đồng, cao nhất từ đầu năm đến nay.

MBS đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt từ mức 18 - 19% xuống còn 16 - 16,5% cho giai đoạn 2025 - 2026.

Đồng thời, nhóm phân tích cũng hạ định giá của thị trường xuống mức 12,5 lần PE từ mức 13 lần PE trước đây, nhằm phản ánh các rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, MBS cũng hạ dự báo mục tiêu VN-Index xuống mức 1.350 - 1.380 điểm trong năm 2025, từ mức 1.400 - 1.420 điểm trước đây.