Động lực thực hiện mục tiêu kinh doanh 2024 từ chuyển đổi số
Tối ưu, nâng cấp về công nghệ
Hiện các chỉ số về chuyển đổi số của Việt Nam đều đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới -WIPO). Còn theo thống kê của Google và Temasek, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023; thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Vì thế, năm 2024, công cuộc chuyển đổi số càng được chú trọng, nhất là tại các doanh nghiệp.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2024, TKV cho biết sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới tiên tiến hiện đại, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than - khoáng sản; thực hiện đề án chuyển đổi số và liên thông cơ sở dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý điều hành và thúc đẩy công tác đầu tư chuẩn bị tài nguyên sẵn sàng cho các dự án kết thúc giai đoạn xây dựng cơ bản.
Dự kiến năm 2024, TKV sẽ sản xuất 38,74 triệu tấn than nguyên khai, gần 37,4 triệu tấn than sạch, tiêu thụ 50 triệu tấn than… Để hoàn thành kế hoạch đề ra, TKV sẽ thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành; tập trung đẩy mạnh phát triển các mỏ than hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”, tiếp tục chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistics phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than.
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), năm 2023, Tập đoàn đã thực hiện áp dụng các giải pháp tối ưu công nghệ quản trị, nâng cao công suất, hiệu suất hoạt động của các nhà máy, tận dụng tốt thời cơ, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Vì thế, năm 2024, Petrovietnam đã đề ra nhiều nhiệm vụ để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao. Trong đó có yêu cầu về đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.
Tại Tổng công ty May 10, Phó Tổng giám đốc Hoàng Thế Nhu cho hay, để tiếp tục chinh phục thị trường trong nước và mở rộng thị trường quốc tế, ngoài việc thực hiện theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, May 10 còn triển khai các giải pháp nâng cao dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng qua công nghệ số. Theo đó, thông qua ứng dụng 3D, khách hàng có thể trải nghiệm trước về kiểu dáng, màu sắc… để ra quyết định mua hàng. Vì thế, năm nay, Công ty sẽ tiếp tục tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ số, tăng cường kênh thương mại điện tử…
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện theo chiến lược chuyển đổi số đã đề ra.
Cùng với Nghị quyết 01, tại Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã đặt mục tiêu phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; cùng với đó tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... Vì thế, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, chuyển đổi số vừa là nhiệm vụ tất yếu nhưng cũng là giải pháp để đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện những mục tiêu và chiến lược đề ra trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Mức độ đầu tư còn thấp, còn nhiều rào cản
Nói về vấn đề này, theo PGS.TS. Đinh Văn Hải, Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính, hiện đa phần doanh nghiệp đã nhận thức rõ về tác động to lớn của kinh tế số tới sự phát triển của doanh nghiệp. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tạo sự tăng trưởng bền vững… Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vẫn còn không ít hạn chế.
Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong quá trình chuyển đổi số như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hoá kỹ thuật số trong doanh nghiệp… Đặc biệt, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng công nghệ số là vấn đề chi phí, bởi chi phí để chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số khá cao.
Báo cáo "Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023” do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP công bố mới đây cho biết, năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng)... Hơn nữa, 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.
Vì thế, các doanh nghiệp kiến nghị, để thúc đẩy chuyển đổi số, các cơ quan quản lý nên có sự hỗ trợ bằng cách tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu trong điều kiện của chuyển đổi số. Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo, giáo dục nhân lực chất lượng cao cũng như tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các bộ, ngành, giữa các doanh nghiệp với nhau trong chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm về chuyển đổi số… Về phía doanh nghiệp cũng phải tự chủ động lựa chọn công nghệ một cách tối ưu, hiện đại để bắt kịp xu hướng và phù hợp với chiến lược, quy mô của doanh nghiệp nhằm chuyển đổi số hiệu quả.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn