Động thái mới của HAGL Agrico sau khi cổ phiếu bị ‘rời sân’

Được biết, cổ phiếu HNG bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/4/2023, do kết quả kinh doanh 2 năm liên tiếp (2021, 2022) là số âm. Đến ngày 27/7, HoSE tiếp tục thông báo huỷ niêm yết đối với HAGL Agrico do thua lỗ 3 năm liên tiếp. Cụ thể, các năm 2021, 2022 và 2023, HAGL Agrico ghi nhận mức lỗ lần lượt: gần 1.120 tỷ đồng, gần 3.580 tỷ đồng, xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.

Không chỉ thua lỗ 3 năm liên tiếp, khoản lỗ lũy kế gần 8.472 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 khiến vốn chủ sở hữu của HAGL Agrico đã giảm về 2.387 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả ghi nhận hơn 13.162 tỷ đồng, tăng thêm 1.300 tỷ đồng (tương ứng mức tăng hơn 11%) so với đầu năm; chủ yếu là vay nợ hơn 9.100 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản nợ vay 6.082 tỷ đồng từ CTCP Nông nghiệp Trường Hải, theo sau là hơn 1.123 tỷ đồng vay nợ từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai, còn lại hơn 1.160 tỷ đồng là dư nợ từ ngân hàng.

-9629-1722586257.jpg

HAGL Agrico đã có công văn giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Theo HAGL Agrico, để có thể giảm lỗ lũy kế, doanh nghiệp dự kiến trồng mới 1.533 ha chuối, chăm sóc và khai thác 6.328 ha cao su; đầu tư chuồng trại, cánh đồng cỏ và nhập khẩu 5.800 con bò cái. Theo đó, doanh thu thuần ước đạt 694 tỷ đồng và lỗ trước thuế 120 tỷ đồng.

Mặt khác, HAGL Agrico đã được Chính phủ Lào chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong. Dự án có quy mô diện tích đất 27.384 ha, tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng, thời gian hoàn thiện đầu tư dự án từ năm 2024 đến năm 2028. Doanh thu năm 2028 ước tính đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 2.450 tỷ đồng.

Hiện nay, doanh nghiệp thực hiện chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp. HAGL Agrico sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính.

Một là, đầu tư quy hoạch tổng thể, đồng bộ hệ thống giao thông – thuỷ lợi – điện; các công trình trên đất; tuyến đê bao chống ngập; tổ chức hoạt động giao nhận vận chuyển, tổng kho.

Hai là, trồng trọt chuyên canh chuối, dứa với diện tích lớn, cung cấp trái cây tươi; đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến trái cây; trồng trọt các loại cây ăn trái (xoài, bưởi, sầu riêng…) kết hợp chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả, bê và bò thịt chăn thả, bò thịt vỗ béo tập trung.

Ba là, tổ chức mô hình khu liên hợp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi khép kín đảm bảo công tác an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Bốn là, tiếp tục thực hiện chuyển đổi các vườn cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò.

"Với chiến lược này, HAGL Agrico tin tưởng vào sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trên BCTC trong thời gian ngắn nhất", văn bản nêu rõ.

Trên thị trường, sau những thông tin tức tích cực mang tới kỳ vọng cho sự hồi phục của HAGL Agrico trong bối cảnh bức tranh tài chính của doanh nghiệp đang khá “tối” đã giúp cổ phiếu HNG có thời gian tạo “sóng”. Tuy nhiên, sau khi HoSE có thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, cổ phiếu HNG đã vội vã giảm sàn ngay trong phiên 29/7 về mức 4.340 đồng/cp.

Ngay sau đó, thông tin hé lộ thời điểm cổ phiếu HNG có thể trở lại HoSE nhờ một lý do đặc biệt đã đưa dòng tiền vào “giải cứu” giúp cổ phiếu thoát sàn nhưng vẫn trong tình trạng “đỏ sàn”. Mặc dù việc doanh nghiệp có công văn giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát giúp cổ phiếu bật tăng tích cực trở lại trong phiên 2/8 nhưng dưới áp lực bán mạnh cùng những lo ngại việc cổ phiếu chuyển xuống “sàn chiếu dưới” đã khiến cổ phiếu HNG không cầm cự được, chốt phiên tiếp tục giảm về mức 3.920 đồng/cp.

Châu Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn