Động thái thâu tóm giữa các doanh nghiệp ngành chăn nuôi
Quy định thay đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, sang chuyên nghiệp, quy mô lớn được các doanh nghiệp tận dụng để mở rộng thị phần. |
Liên tục hoàn thiện chuỗi khép kín
Cuối tháng 10, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) công bố nhận chuyển nhượng thành công 95% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao Khuyên Nam Tiến, với giá 47,5 tỷ đồng (Công ty Khuyên Nam Tiến có vốn điều lệ 50 tỷ đồng). Cùng thời điểm, BAF cũng nhận chuyển nhượng cổ phần của 5 công ty chăn nuôi khác tại Quảng Trị, gồm CTCP Toàn Thắng HT, CTCP Hoàng Kim QT, CTCP Việt Thái HT, CTCP Hoàng Kim HT-QT và CTCP Thành Sen HT-QT. Lượng cổ phần nhận chuyển nhượng đều là 171.500 cổ phiếu, tương ứng 49% vốn điều lệ.
Thông tin trên được ông Ngô Cao Cường, Giám đốc tài chính của BAF chia sẻ tại buổi tiếp xúc với nhà đầu tư vào ngày 7/11. Theo đó, BAF hướng đến mua lại toàn bộ 6 công ty này. Đại diện BAF cho biết, 5 doanh nghiệp mua lại 49% vốn điều lệ đều có quỹ đất, đang hoàn thiện pháp lý và công ty sẽ mua lại toàn bộ sau khi hoàn tất các thủ tục.
Động thái thâu tóm loạt công ty nói trên của BAF được cho là bước đi của doanh nghiệp này trước sự thay đổi của Luật Chăn nuôi. Cụ thể, Luật Chăn nuôi nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Luật quy định, các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp (tức từ ngày 1/1/2025). Theo luật này, hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa hoặc di dời, gây xáo trộn trong ngắn hạn. Trong khi các công ty lớn với chuỗi giá trị khép kín sẽ hưởng lợi từ việc giảm cạnh tranh không lành mạnh và tăng cường kiểm soát chất lượng, đồng thời mở rộng thị phần.
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cơ cấu sản xuất trong ngành này có sự dịch chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp (thị phần tăng từ 30% lên 50-60%). Nguyên nhân do thị phần nông hộ giảm bởi dịch bệnh, thua lỗ trong giai đoạn 2018-2024 và các doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại đón đầu xu hướng theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi.
BAF và Tập đoàn Dabaco được cho là 2 tên tuổi sẽ hưởng lợi lớn. Theo đó, BAF xây dựng và liên tục hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín nhằm kiểm soát toàn diện nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại công nghệ cao, sản xuất và chế biến thịt, cũng như mạng lưới phân phối đến tay người tiêu dùng.
Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng, BAF sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 17,63% (năm 2024) và 27% (năm 2025) khi sản lượng lợn hơi tăng mạnh nhờ bảo vệ đàn trước sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi và sự đóng góp đáng kể từ việc nâng cấp trang trại mới lên tổng đàn. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,6% (năm 2023) lên 16,75% (năm 2024) và dự kiến 18,21% (năm 2025) nhờ giá lợn hơi trung bình duy trì quanh mức 60.000 đồng/kg, giảm giá nguyên liệu đầu vào 10-20%.
BAF còn có lợi thế cạnh tranh cho vị thế lâu dài với giá vốn hàng bán thấp hơn so với các công ty cùng ngành (10- 15%) và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang trại chăn nuôi phù hợp với quy định của pháp luật.
Để tận dụng cơ hội này, kế hoạch của BAF là phải mở rộng rất nhanh và quy mô lớn. Năm 2025, BAF dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng để xây dựng 15 trang trại. Trường hợp xây không kịp, BAF phải đi thuê hoặc tìm những nhà đầu tư, chủ có quỹ đất, có vốn, họ sẽ xây theo mô hình của BAF và BAF thuê lại.
Theo Giám đốc tài chính BAF, công ty xây trại lợn không kịp lượng đẻ ra, nên phải đẩy nhanh tiến độ thuê và xây trại. Trường hợp không làm kịp là phải bán cả lợn giống - những con đến tuổi phải phối, đẻ, nên sẽ bán cho người dân lợn giống để tối ưu chi phí và lợi nhuận.
Trong khi đó, Dabaco hoạt động đa ngành nghề, nhưng lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Dabaco còn tham gia vào lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản.
“Bắt tay” với ông lớn Trung Quốc
BAF được thành lập vào năm 2017, là doanh nghiệp chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và kinh doanh nông sản tại Việt Nam. BAF hiện theo đuổi chiến lược phát triển với mô hình chuẩn 3F (Feed-Farm-Food) - mô hình “từ nông trại tới bàn ăn”. Trong đó, thịt heo BAF Meat đang được phân phối qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và điểm bán BAF Meat Shop. Tầm nhìn đến năm 2030, Siba Food sẽ sở hữu chuỗi cửa hàng thực phẩm quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.500 cửa hàng Siba Food và 15.000 cửa hàng Meat Shop. Ban lãnh đạo BAF cho biết, sẽ chú trọng mở rộng kênh phân phối tại các siêu thị lớn như Big C, Aeon, nhằm đưa sản phẩm gần hơn tới người tiêu dùng.
Nhóm cổ đông sở hữu BAF là Tân Long Group thông qua Công ty cổ phần Siba Holdings. Đây là tập đoàn đa ngành, có các hoạt động kinh doanh liên quan tới cung ứng, sản xuất, thương mại thức ăn chăn nuôi, gạo, hạt, khoáng sản, cơ khí công nghệ cao. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo của BAF cũng nắm giữ vị trí chiến lược tại Tân Long Group. Cụ thể, ông Trương Sỹ Bá là Chủ tịch HĐQT của cả BAF và Tân Long Group, bà Bùi Hương Giang giữ chức Tổng giám đốc tại BAF và Phó tổng giám đốc tại Tân Long Group.
BAF đang sở hữu 21 công ty con. Các công ty con này được tạo ra để sở hữu các trang trại và cụm trang trại. Do BAF có mối quan hệ mật thiết với Tân Long Group nên hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá rẻ từ tập đoàn, khoảng 15-20% lượng lợn đầu ra được phân phối qua hệ thống Siba Food của công ty thành viên của Tân Long Group và cổ đông lớn của BAF là CTCP Siba Holdings.
Hồi tháng 9/2024, BAF kỳ vọng sẽ cải tiến toàn diện hệ thống chuỗi khép kín từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến mô hình chuồng trại thông hợp tác chiến lược với Tập đoàn Chăn nuôi - Thực phẩm Muyuan (Muyuan Foods Co., Ltd - Trung Quốc). Động thái này nhằm tiếp nhận chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình vận hành trong toàn chuỗi chăn nuôi để đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.
Theo ông Gao Tong, CFO Muyuan, Tập đoàn tự tin có thể hỗ trợ BAF đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. Một trong những công nghệ quan trọng nhất mà Muyuan sẽ chuyển giao cho BAF là công nghệ chuồng trại nhiều tầng. Đây là mô hình Muyuan đã áp dụng ở Trung Quốc từ lâu. Cụ thể, một chuồng trại gồm 6 tầng, trong đó tầng 5 và 6 được dùng để nuôi heo nái; tầng 3 và 4 dành cho heo mới đẻ và heo cai sữa; 2 tầng dưới cùng là nuôi heo thịt. Quy mô này cho phép tiện quản lý, đặc biệt là quản lý an toàn sinh học.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT của BAF cho hay, công nghệ chăn nuôi của Muyuan có quy trình bảo vệ nghiêm ngặt, cho sự tối ưu về giá thành, chi phí, nên BAF hoàn toàn tự tin mở rộng quy mô lên 10 triệu con. Ngoài ra, đất đai được tiết kiệm, cùng sự đồng hành của tổ chức tín dụng, ngân hàng quốc tế, cho phép công ty có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đạt được tầm nhìn này.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024 - sự kiện thường niên uy tín về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được tổ chức tại Khách sạn JW Marriott Saigon (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 27/11/2024.
Với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ/A Blossoming Market”, Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024 sẽ thảo luận chuyên sâu về các cơ hội M&A đang trỗi dậy vào các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics.
Sự kiện sẽ có các hoạt động chính sau:
Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế.
Vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2023 - 2024.
Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2024 (song ngữ Việt - Anh).
Xem thêm tại baodautu.vn