Dòng tiền bắt đáy được kích thích

Dòng tiền bắt đáy được kích thích

Tại Mỹ, thị trường chứng khoán lao dốc sau tín hiệu giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chỉ số USD Index (DXY) chạm mức cao nhất trong 2 năm. Yếu tố liên thị trường này khiến chỉ số VN-Index chao đảo và giảm mạnh đầu phiên 19/12/2024. Trong đó, lực bán chủ yếu đến từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Diễn biến điều chỉnh sâu của thị trường đã kích thích dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực hơn và kéo VN-Index trở lại trên mốc 1.250 điểm. Chỉ số chung đóng cửa tuần qua tại 1.257,5 điểm, với sắc xanh lan tỏa.

VN-Index đã đánh mất trạng thái cân bằng trên 1.260 điểm, nhưng điểm tích cực là dòng tiền tại một số nhóm dẫn dắt như chứng khoán được duy trì và giữ vai trò là mỏ neo khá vững chắc cho thị trường. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hỗ trợ và hồi phục để kiểm tra cung cầu trong vùng 1.260 - 1.265 điểm trong tuần này.

Tuy nhiên, trạng thái phân hóa vẫn còn hiện hữu và thị trường dự kiến sẽ có các nhịp biến động. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp tăng giảm đan xen để tái cơ cấu danh mục, với tâm điểm là nhóm thu hút dòng tiền ngắn hạn và có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý IV/2024 cũng như quý I/2025.

Nhóm có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2024 dự kiến là cảng biển và vận tải biển (GMD, HAH, PVT); xuất khẩu gồm dệt may (TCM, GIL), thủy sản (VHC, ANV), gỗ (PTB); bất động sản (KDH, NLG, SZC, SIP, IDC).

Bất động sản công nghiệp - Chờ cú huých từ chính sách

Với việc ông Donald Trump sắp nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029, các chính sách của Mỹ đang hướng đến việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các biện pháp giới hạn từ thương mại hay thuế quan. Các chính sách đó có thể sẽ tạo ra sự dịch chuyển sản xuất, tương tự như giai đoạn 2018 - 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra.

Trong khi đó, giai đoạn trước đây, lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có bước tăng trưởng vượt bậc, tạo ra nhu cầu thuê đất khu công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất. Năm 2024, lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam không quá mạnh để tạo ra nhu cầu mạnh mẽ, nhưng đủ để duy trì lượng giải ngân cao hơn cho năm 2025.

Hiện tại, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có nhiều dư địa tăng trưởng, khi đa phần doanh nghiệp vẫn còn quỹ đất thương phẩm lớn hoặc có dự án mới sắp triển khai cho giai đoạn 2025 - 2026. Giá đất thuê của các khu công nghiệp nằm trong vành đai xung quanh TP.HCM và Hà Nội đang có xu hướng gia tăng theo nhu cầu. Các doanh nghiệp trong ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng về cả doanh thu và biên lợi nhuận.

Gần đây, doanh thu của nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp có mức tăng trưởng nhẹ, nhờ vào nhu cầu thuê đất từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ các quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn gặp áp lực do cấu trúc tài chính nhiều nợ vay của các doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ở phía Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp như IDC, NTC, SZC đang ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhờ nhu cầu của khách hàng và sự thuận lợi về logistics. Một điểm đáng chú ý khác là chính sách của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cao tốc giúp cải thiện khả năng kết nối các khu công nghiệp, thúc đẩy nhu cầu thuê đất và nhà xưởng. Việc phát triển hạ tầng cũng thúc đẩy hình thành các khu dân cư, tạo nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp.

Trên quan điểm hiện tại của chúng tôi, nhóm các công ty có quỹ đất thương phẩm lớn sẽ có lợi thế trong ngắn hạn khi có thể cho thuê ngay, nhưng dư địa tăng trưởng không mạnh và cổ phiếu đã trải qua một nhịp tăng giá. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có dự án mở rộng được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2026 có thể thu hút khách hàng nhờ vị trí dự án phù hợp hạ tầng và quy mô lớn. Nhóm này phù hợp hơn cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn