Dòng tiền cá mập giao dịch trái chiều loạt cổ phiếu ngân hàng, gom mạnh một mã sắp lên HoSE
Sau 4 tuần tăng giá liên tiếp với vị thế trụ cột kéo thị trường bứt phá, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn kể từ đầu tuần 22-26/1. Sắc đỏ chiếm chủ đạo trong 4 phiên gần nhất khiến VN-Index bị đẩy lùi ngay sau khi vượt mốc 1.180.
Trong bối cảnh thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền phân bổ vào các cổ phiếu trụ bank là không đồng nhất. Cổ phiếu SHB vẫn nằm trong nhóm được mua bán mạnh nhất thị trường hơn 2 tuần qua. Cổ phiếu tân binh VN30 này cùng với HDB, NAB đang đón nhận các giao dịch mua chủ động lớn của dòng tiền cá mập (tỷ lệ từ 55-80%).
Phiên 25/1, thậm chí gần 80% lượng giao dịch của nhà đầu tư cá mập tại cổ phiếu NAB đến từ mua chủ động. Trạng thái này đã được duy trì trong nhiều phiên gần nhất trong bối cảnh cổ phiếu Nam A Bank đi ngang vùng giá đỉnh 15.5-16.0.
Diễn biến giá cổ phiếu NAB |
Năm 2023, trong số 20 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, NAB trở thành tâm điểm khi tăng hơn 130% lên mức 15.300 đồng/cp - mức tăng mạnh nhất ngành ngân hàng. Đà tăng của cổ phiếu này một phần đến từ việc được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết trong năm 2024.
Quay trở lại diễn biến nhóm ngân hàng hiện tại, một số mã như VIB, MBB, STB đang chịu áp lực bán ra bởi các dòng tiền lớn trong bối cảnh nhóm này hoặc lập đỉnh lịch sử, hoặc đang giao dịch ngay sát vùng giá đỉnh.
Chất lượng nợ xấu là câu chuyện đáng lưu ý năm 2024
Nhận định về triển vọng nhóm ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sau khi một số nút thắt liên quan đến bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được gỡ rối, giá cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại mức bình quân 10 năm. Tuy nhiên, sự giảm tốc trong bức tranh kinh doanh năm 2023 đã làm giá cổ phiếu ngân hàng trở lại mức thấp hơn 1 độ lệch chuẩn.
“Do đó mặc dù khó khăn phía trước vẫn còn hiện hữu, chúng tôi nhận định đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức tốt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm đón đầu sự hồi phục”, VDSC khuyến nghị.
Nói về câu chuyện cần lưu ý, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá: “Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024-2025”, VCBS nhận định trong báo cáo mới đây.
>> Cổ phiếu ngân hàng vào nhịp chốt lời ngắn hạn, thận trọng khi thị trường 'mất thanh khoản'
Xem thêm tại nguoiquansat.vn