Dòng tiền chuyển hướng qua cổ phiếu vừa và nhỏ, VN-Index tiếp tục tiến bước

Không nằm ngoài dự báo diễn biến thị trường sẽ rung lắc ở vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm, chỉ số VN-Index tiếp tục có thêm phiên giao dịch biến động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu và may mắn tạm dừng phiên sáng 1/3 với mức tăng nhẹ nhờ lực cầu tham gia sôi động.

Bước sang phiên giao dịch chiều, với trạng thái phân hóa của thị trường chung và thiếu sự tiếp sức của nhóm cổ phiếu bluechip, VN-Index nhanh chóng trở lại trạng thái giằng co nhẹ.

Sau khoảng 1 giờ mở cửa, bên bán dần mất kiên nhẫn đã gia tăng sức ép khiến thị trường nới rộng biên độ giảm. Nhiều mã lớn đảo chiều điều chỉnh hoặc nới rộng biên độ giảm, đã khiến VN-Index thủng mốc 1.250 điểm.

Tuy nhiên, vùng giá này đã trở thành ngưỡng hỗ trợ cho thị trường khi lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp VN-Index bật hồi đi lên. Thị trường dần tìm lại sắc xanh với độ rộng khá an toàn và chỉ số VN-Index đã đóng cửa phiên cuối tuần ở mức giá cao nhất trong ngày với thanh khoản tích cực.

Thị trường đã khép lại tháng 2 với mức tăng hơn 88 điểm, tương ứng tăng gần 7,6% và mở đầu tháng 3 bởi mức tăng hơn 5,5 điểm, tiếp tục xác lập đỉnh ngắn hạn tại mốc 1.258 điểm với dòng tiền sôi động có dấu hiệu chuyển hướng qua nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đã giúp nhiều mã trong rổ này có phiên chào tháng 3 đầy ấn tượng.

Đặc biệt, lịch sử thị trường trong tháng 3 thường có diễn biến khá tốt nhờ bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin và mùa họp đại hội đồng cổ đông đến gần, điều này càng giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào xu hướng tăng của thị trường sẽ tiếp tục được kéo dài.

Chốt phiên, sàn HOSE có 293 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index tăng 5,55 điểm (+0,44%) lên 1.258,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 962 triệu đơn vị, giá trị 23.731,68 tỷ đồng, giảm 11,93% về khối lượng và 9,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,32 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.685 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn chỉ biến động trong biên độ hẹp trên dưới 1%, kết phiên tăng nhẹ hơn 1 điểm. Trong đó, cổ phiếu FPT khi xác lập mức giá cao kỷ lục mới tại 110.800 đồng/CP, tăng 1,7% và thanh khoản đạt hơn 4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đóng góp tốt nhất cho chỉ số chung là BID với chỉ hơn 0,7 điểm, kết phiên mã này chỉ tăng nhẹ 0,9%.

Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó đáng chú ý là màn đảo chiều ấn tượng của LCG khi kết phiên tăng 6,9% lên mức giá trần 13.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 21,75 triệu đơn vị và dư mua trần 0,9 triệu đơn vị, BKG đóng cửa ở mức giá trần 4.980 đồng/CP với khối lượng dư mua trần lên tới gần 8,3 triệu đơn vị, HDG cũng đảo chiều khởi sắc và đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng khớp 6,86 triệu đơn vị và dư mua trần 0,26 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu GEX tăng 4% lên mức giá cao nhất ngày 23.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 3 toàn thị trường, đạt 36,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, hàng loạt mã vừa và nhỏ nóng như DXG, DIG, CII, NVL, HHV, HQC, TCH, IJC… cũng đồng loạt khởi sắc trở lại.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn thuộc top tăng tốt của thị trường. Bên cạnh BSI tiếp tục khoe sắc tím, cặp đôi VND và VIX vẫn nhận được sự “ưu ái” của dòng tiền. Cụ thể, kết phiên VND tăng 24% lên 23.200 đồng/CP và khớp 42,62 triệu đơn vị; còn VIX tăng 3,3% lên vùng giá cao nhất ngày 18.900 đồng/CP và khớp 38,39 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ duy trì diễn biến khởi sắc, với DGW tăng 6,1%, PNJ tăng 5,9%, PET tăng 3,2%...

Trên thị trường chỉ còn lại 6 nhóm mất điểm, trong đó nhóm sản phẩm cao su là giảm mạnh nhất khi để mất hơn 1%, còn lại mức giảm không đáng kể.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm 0,03%, trong đó mã lớn VCB đứng giá tham chiếu cùng HDB, VIB, TPB, OCB; còn BID, CTG, STB, SSB, SHB… kết phiên tăng nhẹ; ngược lại VPB, TCB, ACB, MBB, LPB… cũng chỉ giảm trong biên độ trên dưới 1%. Hai mã xanh là SHB và STB giao dịch sôi động nhất dòng bank và đều thuộc top 5 cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, cùng đạt hơn 27 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nhịp lùi về sát mốc tham chiếu, thị trường cũng nhận tín hiệu lạc quan từ sàn HOSE và bật hồi khởi sắc.

Đóng cửa, sàn HNX có 94 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 0,97 điểm (+0,41%), lên 236,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 104,2 triệu đơn vị, giá trị 2.071,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,06 triệu đơn vị, giá trị 60,62 tỷ đồng.

Trong top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, chỉ có duy nhất HUT mất điểm, kết phiên với mức giảm nhẹ 0,5% xuống 19.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 2,77 triệu đơn vị.

Còn lại 4 mã đều khởi sắc với mức tăng trên dưới 1% gồm SHS, CEO, PVS, MBS. Trong đó, SHS kết phiên vẫn giữ mức tăng 1,7% lên 18.000 đồng/CP và khớp 34,23 triệu đơn vị, còn CEO tăng 1,8% lên 22.600 đồng/CP và khớp 18,65 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành thì chứng khoán vẫn là tăng tốt nhất trên sàn HNX. Ngoài SHS, các cổ phiếu khác trong ngành như MBS tăng 1,8%, BVS tăng 2,5%, VIG tăng 2,5%, TVC tăng 1,1%, EVS tăng 1,2%...

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,59%), lên 91,16 điểm với 214 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,1 triệu đơn vị, giá trị 527,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,86 triệu đơn vị, giá trị 45,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu vừa và nhỏ là tâm điểm của thị trường, như SBS kết phiên tăng 2,7%, AAS tăng 4,7%, và đều khớp hơn 5 triệu đơn vị; C4G tăng 2,6%, BVB tăng 5,5%, VHG tăng 3,7%, các mã BII, KSH, ACM, ICF, FTM… tăng kịch trần.

Cổ phiếu BSR lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với 5,35 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên tăng nhẹ 0,5% lên 20.000 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó hợp đồng VN30F2403 tăng 4 điểm, tương đương +0,3% lên 1.226,8 điểm, khớp lệnh hơn 182.960 đơn vị, khối lượng mở đạt 45.610 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CSTB2322 vẫn có thanh khoản tốt nhất với 6,76 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 7,5% lên 860 đồng/cq; tiếp theo là CSTB2319 khớp 2,91 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,9% lên 640 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn