Dòng tiền đắn đo

Chờ xu thế rõ ràng hơn

Một trong những lý do khiến dòng tiền thận trọng được cho là nhà đầu tư e ngại trước diễn biến tăng của tỷ giá có thể dẫn tới sự thay đổi về chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (có thể chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt thông qua nâng lãi suất điều hành). Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với mục tiêu trung và dài hạn, nhiều cổ phiếu vẫn thu hút dòng tiền và tăng giá.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, thời gian tới, thị trường sẽ chủ yếu dao động đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp, với sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Đó có thể là giai đoạn tạo đà cho một sóng tăng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, khi các chính sách hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thẩm thấu sâu hơn, đặc biệt là chính sách liên quan đến thị trường bất động sản, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng và vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ hơn.

Theo ông Lê Đức Khánh, số dư tiền mặt của nhà đầu tư trong các tài khoản chứng khoán tính đến cuối quý I/2024 là hơn 100.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng trong tháng 4/2024 cũng như nửa đầu tháng 5 cho thấy, dòng tiền không rút ra, mà đang đợi chờ cơ hội. Mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp kéo dài sẽ kích thích dòng tiền dần chuyển dịch từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán.

Bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB cho biết, nền lãi suất thấp đã thu hút dòng tiền tích cực tham gia thị trường chứng khoán trong quý I/2024, thúc đẩy VN-Index tăng điểm và giao dịch diễn ra sôi động. Tuy nhiên, thanh khoản sau đó suy giảm, ngay cả khi thị trường tăng điểm sau đợt điều chỉnh tháng 4.

“Lý do chủ yếu theo chúng tôi là vì VN-Index đã hồi phục, định giá hợp lý, chứ không còn rẻ, với P/E khoảng 14,5 lần, nên nhà đầu tư chưa có động lực mua mới để đầu tư trung và dài hạn. Bên cạnh đó, số liệu kết quả kinh doanh quý I/2024 của các công ty niêm yết công bố vào cuối tháng 4 cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận còn không ít màu xám. Ngoài ra, dòng tiền trong thời gian tới có thể sẽ bị chia sẻ với các kênh đầu tư khác, ví dụ như thị trường vàng vẫn sôi động, một số dự án bất động sản được mở bán, lãi suất huy động có khả năng tăng trong quý II do áp lực tỷ giá USD/VND và dự báo về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed lùi về tháng 9”, bà Nguyễn Minh Trang nói.

Cơ hội dành cho các “Fn”

Nếu VN-Index tích lũy trong biên độ hẹp thì đó có thể là giai đoạn tạo đà cho một sóng tăng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.

Dòng tiền đang có dấu hiệu xoay vòng trong thị trường chứng khoán, nhưng theo nhận xét của Broker Vũ Minh Đức, “cuộc chơi” chủ yếu dành cho các nhà đầu tư lâu năm (Fn). Bởi lẽ, sau những pha biến động mạnh trong giai đoạn 2022 - 2023, nhiều nhà đầu tư mới (F0) đã âm thầm rời bỏ thị trường, trong khi các Fn có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” nên vẫn tìm được cơ hội, kể cả ở thời điểm thị trường khó khăn.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Khánh nhìn nhận, khó có thể kết luận Fn hay F0 đầu tư hiệu quả hơn, vì tùy thuộc vào thời điểm tham gia cuộc chơi, nhưng với thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm sẽ có lợi thế ở khả năng phán đoán, chọn các điểm ra - vào lệnh, biết “gồng” lãi - lỗ. Giai đoạn hiện tại, chiến lược đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có của doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, trong khi định giá ở mức hấp dẫn.

“Công nghệ viễn thông, dầu khí, hóa chất, thép, cảng biển, tài chính... là những nhóm cổ phiếu nên ưu tiên đầu tư trong năm nay”, ông Lê Đức Khánh khuyến nghị.

Trên thực tế, các Fn thường tìm kiếm cơ hội ở từng nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng và có phản ứng nhanh nhạy, thay vì nhìn theo biến động tổng thể của thị trường như các F0. Đơn cử, thông tin Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến ngày 8/5/2024 liên quan đến việc xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam khiến các Fn quan tâm đến nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, thép…

“Ngoài nhóm xuất khẩu, tôi cho rằng, một số nhóm cổ phiếu như xây dựng với câu chuyện về thúc đẩy đầu tư công và kỳ vọng sự hồi phục của thị trường bất động sản, nhóm chứng khoán với câu chuyện nâng hạng thị trường, nhóm điện với câu chuyện liên quan đến tăng giá điện và chuyển giao giữa các hình thái thời tiết sẽ là các câu chuyện có thể chờ đợi trong thời gian còn lại của quý II/2024”, ông Lê Đức Khánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group đánh giá, so với giai đoạn đỉnh cao, dòng tiền trên thị trường không còn sôi động, nhưng vẫn lưu chuyển giữa các nhóm ngành, ưu tiên những doanh nghiệp cơ bản, hoặc doanh nghiệp có câu chuyện riêng. Mùa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy, kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu khởi sắc. Trong ngắn hạn vẫn còn rủi ro về tỷ giá, lạm phát, dẫn tới những lo ngại về việc lãi suất điều hành sẽ tăng. Mặc dù vậy, các biến số này nhiều khả năng sẽ dần ổn định trong thời gian tới và xu thế phục hồi kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực rõ ràng hơn.

“Do vậy, nhà đầu tư nên tư duy rằng, nếu giá điều chỉnh thì đó là cơ hội mua được cổ phiếu của doanh nghiệp tốt và nắm giữ cho mục tiêu trung - dài hạn. Cổ phiếu thuộc các ngành như bán lẻ gồm DGW MWG, thép gồm HPG, phân đạm gồm DPM, DCM, LAS, dệt may gồm TNG và các ngành tiếp tục có triển vọng tốt trong thời gian tới như bất động sản khu công nghiệp, gồm SZC, GVR… là những cổ phiếu đáng quan tâm”, ông Nguyễn Thành Trung nói.

Trong khi đó, nhà đầu tư Trần Văn Khoa chia sẻ, nếu VN-Index quay lại vùng 1.200 - 1.250 điểm thì rủi ro sẽ giảm và anh tự tin giải ngân. Ở thời điểm hiện tại, việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ rủi ro hơn so với dòng cổ phiếu phòng thủ. Do đó, cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, hoặc có cơ hội phục hồi lợi nhuận cao như nhóm vận tải biển, nhóm dầu khí và các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đang có nhiều lợi thế.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn