Dòng tiền đi tìm cơ hội với cổ phiếu có câu chuyện riêng
Chứng khoán Việt Nam đang có nhịp rung lắc sau quãng tăng hơn một tháng. VN-Index tăng hơn 100 điểm, trở về vùng đỉnh cao nhất trong hai năm trở lại đây.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng động thái bán giảm tỷ trọng từ một bộ phận nhà đầu tư tuân thủ nguyên tắc phân tích kỹ thuật ở vùng kháng cự mạnh 1.280 – 1.294 điểm là không mấy khó hiểu. Trước đó thị trường từng đảo chiều ở vùng điểm số tương tự khiến tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn.
Bên cạnh tín hiệu kỹ thuật trên, thị trường bị tác động bởi những thông tin như tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thanh khoản thị trường liên ngân hàng và việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Thêm vào đó là việc thị trường chứng khoán Mỹ có phiên điều chỉnh trên vùng đỉnh lịch sử với tín hiệu vĩ mô tích cực hơn kỳ vọng khiến giới đầu tư lo ngại Fed sẽ không hạ lãi suất trong tháng 9.
Yếu tố kỹ thuật đi cùng với những thông tin trên khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc trong ngày cuối tuần (25/5). Trong phiên đầu tuần (27/5), thị trường có sự hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh VN-Index điều chỉnh, thị trường chung vẫn có những nhóm cổ phiếu đi ngược xu hướng, cho thấy sự phân hóa mạnh của dòng tiền. Dòng tiền cho tín hiệu đổ đi tìm những cơ hội với nhiều nhóm cổ phiếu riêng lẻ biểu hiện qua một số diễn biến.
Thị trường UPCoM hút tiền
Khi VN-Index đang thiếu vắng đi sự dẫn dắt của những nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… dòng tiền chuyển hướng sang thị trường UPCoM. Chỉ số của thị trường này tăng khoảng 8,5% trong một tháng trở lại đây lên vùng đỉnh 2 năm, đi kèm với đó thanh khoản tăng vọt.
Khối lượng giao dịch trên UPCoM những phiên gần đây gấp đôi so với bình quân giai đoạn 6 tháng trước đó. Kể từ giữa tháng 5, giá trị mua bán trên thị trường này duy trì trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng, trong đó phiên ngày 21/5 đạt hơn 2.100 tỷ đồng.
Nhiều mã chứng khoán giao dịch trên thị trường UPCoM thu hút dòng tiền lớn quan tâm và khởi sắc trong một tuần qua, trong đó có thể kể đến như VEA, MLS, MCM, BSR. Cổ phiếu VEA của VEAM có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh hàng triệu đơn vị những phiên gần đây đi kèm với diễn biến giá khởi sắc.
Đóng cửa ngày 27/5, thị giá cổ phiếu VEA ở 45.700 đồng/cp, tăng gần 27% so với nền giá quanh 36.000 đồng/cp tích lũy hơn 3 năm qua. Với thị giá này, giá trị vốn hóa của VEAM vượt ngưỡng 60.000 tỷ đồng,
Trước đó, nhiều mã trên thị trường này liên tục lập đỉnh mới với các câu chuyện riêng như VGI, VTK, MCH. Nổi bật nhất là hai cổ phiếu “họ Viettel” là VGI và VTK khi lần lượt phá đỉnh và tiệm cận câu lạc bộ ba chữ số.
Cổ phiếu ông lớn ngành hàng không là ACV giao dịch khởi sắc và đang trên vùng đỉnh lịch sử.
Nhóm cổ phiếu phòng thủ lên ngôi
Song song với diến biễn sôi động đến từ cổ phiếu của những công ty tỷ USD trên thị trường, dòng tiền thị trường còn tìm đến những nhóm cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, vốn khá “lặng tiếng” trong giai đoạn vừa qua.
Trong phiên ngày 27/5, nhóm cổ phiếu điện lực nổi sóng tăng mạnh với các mã như PGV, NT2, PPC, GEG, QTP, POW. Cổ phiếu POW của PV Power tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh hơn 41 triệu đơn vị. Không riêng cổ phiếu điện lực, nhóm nước, dược phẩm cũng có những cái tên ngược dòng thời gian qua như BWE, DHT.
Cổ phiếu dòng bảo hiểm cũng được quan tâm thời gian vừa qua như MIG, BVH, ABI, BIC, BMI, trong đó đã có những phiên tăng giá hết biên độ. Cổ phiếu MIG vừa có nhịp tăng hơn 20% sau khi quỹ ngoại Pyn Elite Fund có động thái mua vào nhiều tháng qua. Diễn biến tích cực này xuất phát từ kỳ vọng một biến số có độ nhạy cao với ngành bảo hiểm là lãi suất có tín hiệu đi lên trong thời gian tới.
Từ những diễn biến trên cho thấy rằng, trong khi thị trường đang trong giai đoạn đảo lớp để tìm ra những nhóm cổ phiếu có đủ động lực dẫn dắt thời gian tới, dòng tiền vẫn đang neo lại và đi tìm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu riêng lẻ.
Tuy nhiên, một đặc điểm chung trong giai đoạn này là khẩu vị thị trường có phần thiên về những mã có tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi thấp do sở hữu nhà nước cao. Điều này dẫn đến hiện tượng lượng cầu cổ phiếu đột biến, liên tục tăng trần. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng, tránh tâm lý FOMO.
Xem thêm tại vietnambiz.vn