Dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu VIB
Thanh khoản cổ phiếu VIB bất ngờ tăng cao trong bối cảnh ông Ân Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Pháp chế và Quản trị Doanh nghiệp tại VIB vừa bán thành công 2 triệu cổ phiếu theo nhu cầu đầu tư cá nhân.
Giao dịch diễn ra từ ngày 9-15/10/2024 theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận. Sau giao dịch, số cổ phiếu VIB mà ông Sơn nắm giữ giảm từ 6,69 triệu cổ phiếu xuống còn 4,69 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 0,157%.
Tạm tính theo giá chốt phiên 17/10 là 19.350 đồng/cp, ước tính ông Sơn thu về khoảng 38,7 tỷ đồng từ giao dịch này.
Thanh khoản cổ phiếu VIB tăng vọt lên gần 30 triệu đơn vị trong phiên 18/10. |
Trước đó, ngày 9/10, VIB đã công bố danh sách thay đổi cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Danh sách mới gồm CTCP Unicap và Commonwealth Bank of Australia (CBA).
Theo đó, ngày 24/9, CTCP Unicap đã trở thành cổ đông lớn tại VIB sau khi mua vào gần 66,8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,24% vốn điều lệ. Qua đó, Unicap và nhóm cổ đông liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,47% vốn điều lệ của ngân hàng.
Trước đó, Unicap không sở hữu cổ phiếu VIB. Hai cá nhân liên quan Unicap là bà Nguyễn Thùy Nga - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Unicap nắm giữ hơn 70 triệu cổ phiếu VIB (2,351%) và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm - Thành viên HĐQT nắm gần 98 triệu cổ phiếu VIB (3,288%).
Chiều ngược lại, ngày 26/9, cổ đông ngoại Commonwealth Bank of Australia (Australia) của VIB đã bán thành công 148 triệu cổ phiếu. Tổ chức này giảm số lượng cổ phần nắm giữ từ hơn 588,2 triệu đơn vị xuống còn hơn 440 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ giảm từ 19,74% xuống còn 14,78%.
Sau 2 giao dịch này, Ngân hàng VIB đã báo cáo cập nhật về cổ đông nắm trên 1% vốn ngân hàng. Theo VIB, 19 cổ đông sở hữu khoảng 1,8 tỷ cổ phiếu, tương đương khoảng 70% vốn điều lệ, gồm 13 cá nhân và 6 tổ chức.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.587 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.669 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng.
Theo số liệu mới được công ty chứng khoán SSI công bố, trong quý III/2024, VIB dự kiến ghi nhận lợi nhuận sau thuế từ 1.900 tỷ đồng đến 2.100 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 2.683 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Còn theo Chứng khoán KBSV, tín dụng của VIB đã hồi phục tích cực trong quý II/2024 với mức tăng trưởng 4,6% so với cuối năm 2023, sau khi trải qua quý I kém tích cực. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.103 tỷ đồng trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4.605 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng.
KBSV đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của VIB cho năm 2024 xuống mức 15%, do một số phân khúc cho vay cần thêm thời gian để hồi phục. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu tín dụng có thể giúp cân bằng mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, KBSV dự báo NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng sẽ giảm tạm thời. Dự kiến, NIM của VIB cho năm 2024 sẽ ở mức 4,09% và năm 2025 là 4,22%.
Sau khi điều chỉnh một số chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, KBSV đã hạ dự phóng P/B của VIB xuống mức 1,4x cho năm 2024 và đặt giá mục tiêu mới cho cổ phiếu VIB ở mức 25.500 đồng/cp, đồng thời đưa ra khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu này.
Châu Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn