Dòng tiền hướng tới cổ phiếu của Thế giới Di động
Tạm chốt phiên sáng 1/7, cổ phiếu MWG tăng lên mức 63.300 đồng/cp với tổng khối lượng đạt hơn 8 triệu đơn vị.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu này được cho là hỗ trợ bởi thông tin Hội đồng Quản trị Thế giới Di động vừa thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu cho các cổ đông hiện hữu.
Theo đó, Thế giới Di động dự kiến chi tối đa 100 tỷ đồng để mua lại tối đa 2 triệu cổ phiếu quỹ (chiếm 0,14% tổng số cổ phiếu đang lưu hành). Thế giới Di động cho biết, sẽ thực hiện phương án trên trong vòng 30 ngày theo phương thức khớp lệnh theo giá trên sàn sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Thế giới Di động hiện đang có hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng vốn điều lệ hơn 14.600 tỷ đồng.
Tạm chốt phiên sáng 1/7, cổ phiếu MWG tăng lên mức 63.300 đồng/cp. |
Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 31.486,5 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 902,97 tỷ đồng, tăng 41,4 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, nhưng thực tế những con số trên vẫn còn khá là thấp.
Thực tế, giai đoạn bình thường từ quý I/2021 đến quý III/2022, lợi nhuận trung bình một quý của Thế giới Di động khoảng 1.197,73 tỷ đồng, cao hơn 32,6% so với mức lãi quý I/2024. Như vậy, mức lãi tăng 41,4 lần trong quý I/2024, lên 902,97 tỷ đồng, vẫn thấp so với giai đoạn bình thường.
Giới tài chính nhìn nhận, tín hiệu hồi phục của nhóm bán lẻ/phân phối sản phẩm công nghệ còn cần chờ thêm thời gian. Chu kỳ để nhóm bán lẻ hồi phục có độ trễ 3-6 tháng so với các nhóm hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày khi thu nhập người dân tăng trở lại.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các “ông lớn” bán lẻ ICT/CE đang chịu áp lực thị phần sụt giảm do ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các phân khúc chính của ICT/CE (máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt) đang bước vào giai đoạn bão hòa, thể hiện bằng tỷ lệ thâm nhập cao và doanh số bán hàng trì trệ, nên tất cả các doanh nghiệp đều tập trung mở rộng thị phần như cách để đạt mức tăng trưởng cao hơn mức một chữ số của thị trường chung.
Thứ hai, thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ cửa hàng (offline) sang trực tuyến (online) gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như Thế giới Di động.
Và cuối cùng, các ông lớn bán lẻ ICT/CE sẽ gặp khó ở kênh offline do vị thế dần cao hơn của các nhà bán lẻ non trẻ (như CellPhoneS, HoangHaMobile, Shopdunk), với chính sách giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm khách hàng tương tự (dịch vụ hỗ trợ trước và sau mua hàng).
Châu Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn