Dòng tiền lớn đổ về: HAG vào sóng, VTP phá đỉnh
Kết thúc tuần giao dịch 11/11 - 15/11, thị trường chứng chứng khoán tiếp duy trì diễn biến tiêu cực do áp lực giảm điểm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo đó, chỉ số VN-Index giảm gần 34 điểm, tương ứng mất 2,71% so với tuần trước đó.
Dù vậy, dòng tiền vẫn có sự phân hóa, dẫn tới đà tăng giá tại nhiều cổ phiếu. Cổ phiếu VTP tiếp tục bay cao, trong khi HAG đã kết thúc xu hướng đi ngang và bước vào xu hướng tăng giá.
HoSE: Tâm điểm HAG, VTP
Với mức tăng 20,34%, cổ phiếu DTT của Công ty CP Kỹ nghệ Đô Thành là cổ phiếu bứt phá mạnh nhất sàn HoSE tuần qua. Kết tuần, cổ phiếu DTT đóng cửa tại mức 21.000 đồng/cp, tương ứng vốn hoá 171 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mã này lại ít thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư khi ghi nhận 2 phiên “trắng thanh khoản”. Ngay cả trong 2 phiên tăng trần, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng chỉ ở mức vài nghìn đơn vị. Nguyên nhân chính là do lượng cổ phiếu lưu hành tự do ở mức thấp.
Xếp thứ hai là cổ phiếu SC5 của Công ty CP Xây dựng số 5 với đà tăng 15,58%. Tính theo giá đóng của phiên giao dịch 15/11 là 22.000 đồng/cp, vốn hóa của Xây dựng số 5 đạt gần 330 tỷ đồng. Tương tự DTT, thanh khoản cổ phiếu SC5 cũng chỉ ở mức “nhỏ giọt”.
Ở vị trí thứ ba là cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. Với đà tăng 14,01%, mã này đã đạt 11.800 đồng/cp, vốn hóa của “đại gia phố núi” cũng lên tới hơn 12.477 tỷ đồng.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu HAG hiện đã chấm dứt xu hướng đi ngang và bước sang giai đoạn tăng giá. Với sự tham gia của dòng tiền lớn, HAG hoàn toàn có thể chinh phục vùng đỉnh lịch sử 16.000 đồng/cp.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu HAG trùng với thời điểm giá sầu riêng liên tục tăng cao. Tại thời điểm cuối quý III, Hoàng Anh Gia Lai sở hữu 1.947ha sầu riêng, tăng 447ha so với đầu năm, chủ yếu là giống Monthong và Musang-king có giá trị cao. Năm nay, công ty đặt mục tiêu trồng mới 500ha, nâng tổng diện tích lên 2.000ha và đã hoàn thành 89% kế hoạch trong 9 tháng.
Mặt khác, thời gian gần đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng liên tục có động thái tạo “câu chuyện kỳ vọng”. “Cú bắt tay” với Kingfoodmart để mở rộng thị trường nội địa, chiến lược quy mô Tập đoàn giai đoạn 2024 – 2023, kế hoạch số hoá nông nghiệp, lộ trình xoá lỗ luỹ kế và khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo cùng kết quả kinh doanh khả quan trong quý III, tất cả góp phần vực dậy niềm tin nơi nhà đầu tư.
Xếp thứ tư là cổ phiếu S4A của Công ty CP Thủy điện Sê San 4A với đà tăng 12,88%. Chiếu theo mức giá 20.800 đồng/cp, vốn hóa của Thủy điện Sê San 4A ước đạt hơn 1.738 tỷ đồng.
Chỉ xếp thứ năm nhưng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel lại là một trong những mã gây chú ý nhất sàn HoSE khi đã lọt vào danh sách này tuần thứ hai liên tiếp.
Tuần qua, cổ phiếu VTP đã tăng 12,7%. Liên tục xô đổ kỷ lục của bản thân, mã này hiện đã đạt 122.500 đồng/cp, nâng vốn hóa của Viettel Post lên mức cao kỷ lục 15.000 tỷ đồng.
Các cổ phiếu còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE bao gồm: TRC (+9,16%), CMG (7,82%), VOS (+7,46%), CLW (+6,94%), MDG (+6,7%).
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất gồm có: SFC (-15,02%), CTF (-14,22%), HRC (-13,92%), VDS (-11,59%), NKG (-10,96%), TNH (-10,27%), BSI (-10,26%), AGR (-10,16%), CTS (-9,8%), PSH (-9,65%).
HNX: Kinh doanh suôn sẻ, một mã đồ hộp bứt phá
Trên sàn HNX, cổ phiếu CAN của Công ty CP Đồ hộp Hạ Long là mã tăng mạnh nhất khi có thêm 30,43%. Tính theo mức giá 51.000 đồng/cp, vốn hoá của doanh nghiệp ước đạt 255 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu CAN lại khá ảm đạm. Ngay cả trong 2 phiên tăng trần, mã này cũng chỉ ghi nhận vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh.
Theo tìm hiểu, Đồ hộp Hạ Long tiền thân là nhà máy cá hộp Hạ Long, được thành lập năm 1957, chuyên sản xuất đồ hộp, giò chả và xúc xích. Trong đó, các sản phẩm đồ hộp bao gồm thịp hộp, cá hộp và rau quả hộp là những mặt hàng được tiêu thu nhiều nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của doanh nghiệp.
Đồ hộp Hạ Long cũng là một trong số ít những doanh nghiệp hưởng lợi sau cơn bão số 3 Yagi. Nhờ nhu cầu đồ hộp tăng mạnh hậu bão, doanh nghiệp báo lãi sau thuế cao gấp 6 lần so với cùng kỳ.
Sau CAN, những cái tên còn lại top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX tuần qua lần lượt là PTD (+30%), VCM (+26,42%), PGT (+20,63%), GKM (+18,97%), PGN (+18,89%), HGM (+15,62%), TJC (+15,03%), SDC (+12,2%), PCG (+11,11%).
Phần lớn các mã này đều ghi nhận diễn biến kém sôi động về mặt thanh khoản. Chỉ có GKM, PGT, PGN là những mã hiếm hoi chứng kiến thanh khoản tích cực nhờ nhận dòng tiền đầu cơ.
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất gồm có: MEL (-28,24%), DC2 (-19,23%), VC1 (-17,17%), BBS (-16,81%), VLA (-16,00%), PV2 (-14,81%), PVC (-13,45%), ATS (-13,19%), MCO (-12,73%), VMS (-12,66%).
Đáng chú ý, trong số này, MEL và VLA là hai cái tên từng góp mặt trong danh sách tăng mạnh tuần trước.
UPCoM: DXL một mình trụ lại top 10, IN4 bất ngờ “đổ đèo”
Trên sàn UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần vừa qua gồm có: VTL (+62,22%), DPP (+46,83%), HOT (+40%), BBH (+39,62%), BTG (+36,92%), VLW (+30,38%), DXL (+30,34%), QNT (+26,15%), NXT (+25,49%), DVC (+25,26%).
Trong đó, cổ phiếu DXL của Công ty CP Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn là mã duy nhất nằm trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh tuần trước còn “trụ” lại trong top 10 tuần này.
Ở chiều ngược lại, sau hai tuần “chễm chệ” tại vị trí quán quân và á quân tăng trưởng, cổ phiếu IN4 của Công ty CP In số 4 bất ngờ “đổ đèo” khi mất 27,75% thị giá. Đây là mã giảm mạnh thứ ba trên sàn UPCoM tuần vừa qua, chỉ sau PEG (-40,54%) và ATA (-33,33%).
Những cái tên còn lại trong top 10 lần lượt là: HC1 (-25,95%), HFC (-23,53%), VDG (-19,35%), BTV (-17,45%), TRS (-16,91%), LGM (-16,67%), DCT (-16,67%).
Nhìn chung, các cổ phiếu biến động mạnh nhất tuần này vẫn thiếu điểm nhấn. Thanh khoản mỗi cổ phiếu các phiên chỉ lẹt đẹt ở mức vài trăm đơn vị.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn