Cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư trên HOSE. Nguồn: FiinPro, BSC Research. |
Điểm tựa vững cho thị trường trước biến động tiền ngoại
Năm 2023, nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đã tác động tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất đồng USD và một số đồng tiền lớn của các nước phát triển đã khiến dòng vốn ngoại chảy ngược ra khỏi nhiều thị trường cận biên, mới nổi. Trong xu thế chung đó, khối nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm bán ròng rất mạnh trên thị trường chứng khoán trong nước và phần nào tác động tới tâm lý chung của thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền từ khối nội, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp thị trường giữ nhịp thanh khoản và tăng điểm cuối năm.
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong năm 2023, nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho giai đoạn thị trường tăng điểm kéo dài trong 4 tháng, từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8/2023, dù khối ngoại có động thái bán ròng. Dòng tiền trong nước cũng giúp giao dịch diễn ra sôi động, khi trên HOSE ghi nhận khoảng 50 phiên có giá trị giao dịch hơn 20.000 tỷ đồng/phiên.
Theo lý giải của BSC, sự tăng trưởng của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục chiếm hơn 99% tài khoản mở mới trong năm, với số số lượng tài khoản mở mới đạt hơn 1,24 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản mở mới tăng trưởng tốt và số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán ở mức cao - điều này cũng phản ánh đúng tâm lý của nhà đầu tư khi mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm.
Một thống kê khác của BSC cũng cho thấy, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trên thị trường. Tỷ lệ giao dịch bình quân của nhà đầu tư cá nhân trong nước năm 2023 đạt 85%. Nhóm nhà đầu tư tổ chức tăng tỷ trọng giao dịch trở lại so với năm kế trước, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước khi giao dịch chiếm 7,11%, tăng so với năm 2022. Trong khi nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giảm 5,8% tỷ trọng giao dịch so với năm trước. “Nhìn chung, năm 2023, nhà đầu tư nội góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của đà bán ròng của nhà đầu tư ngoại đối với thị trường chứng khoán” - Chuyên gia của BSC đánh giá.
Tiền nội - duy trì động lực chính và còn mạnh hơn
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, chênh lệch giữa tỷ suất thu nhập trên giá của VN-Index (E/P) và lãi suất đang ở mức cao so với quá khứ, cho thấy thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn tương đối so với kênh gửi tiếp kiệm. E/P của VN-Index là 7,2% (tại ngày 29/12/2023) trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hiện nay chưa đến 5,0%/năm.
“Trong năm 2024, ở kịch bản tích cực, chúng tôi dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn HOSE có thể tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Do đó, kỳ vọng xu hướng tăng của VN-Index có thể hình thành trong năm 2024 giúp co hẹp mức chênh lệch trên giống năm 2020, 2022” - ông Hinh nhận định.
Chuyên gia của BSC cũng đồng thuận cho rằng, lãi suất huy động giảm dần đã giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, thu hút dòng tiền từ các kênh đầu tư khác. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thu nhập thị trường, giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Do đó, một phần tiền gửi ngân hàng có thể chuyển dịch sang kênh cổ phiếu, dù con số không quá lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng mạnh dạn hơn trong việc sử dụng vay ký quỹ. Đây là một yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, dòng tiền từ tổ chức trong nước, khối tự doanh công ty chứng khoán và dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân là điểm sáng trong sự phục hồi của VN-Index trong 2023. Mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện tại phổ biến trong khoảng 4,2 - 5,7%/năm, tương đương P/E 17,5 - 23,8 lần, cao hơn mức định giá dự phóng năm 2024 của VN-Index dự phóng ở mức 11,5 lần. Với việc tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong 2024, kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ càng sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do quy định mới thắt chặt điều kiện nhà đầu tư khiến giảm số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia. Thị trường bất động sản còn khó khăn do mặt bằng giá hiện tại còn cao, dòng vốn triển khai nhiều dự án bị chậm lại do các chủ đầu tư khó khăn, ngân hàng hạn chế giải ngân… Trong bối cảnh không có nhiều các kênh đầu tư thay thế, dự kiến dòng tiền nội sẽ tham gia tích cực vào thị trường cổ phiếu năm 2024” - Chuyên gia của ABS còn phân tích thêm.
Dòng tiền khối nội tiếp tục là lực đỡ ổn định “Dòng tiền nội sẽ là dòng tiền chính tham gia thị trường nhờ yếu tố lãi suất thấp. Các tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân là lực đỡ trong giai đoạn thị trường điều chỉnh cuối từ tháng 9/2023 và vẫn đang tiếp tục duy trì giao dịch ổn định. Các công ty chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa tăng dư nợ cho vay ký quỹ”. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh. |