Dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, VN-Index tăng hơn 12 điểm
Thị trường sau phiên “xanh vỏ, đỏ lòng” hôm qua (2/1) khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Bước vào phiên giao dịch ngày 3/1, sự thận trọng tiếp tục bao trùm, lực bán vẫn có phần chiếm ưu thế khiến thị trường rung lắc.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian rung lắc nhẹ, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn nhờ lực cầu cải thiện. Dù vậy, lực cầu này vẫn còn khá yếu nên chỉ số phần lớn thời gian biến động với biên độ hẹp trước sự phân hóa mạnh ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu.
Đầu tư công là nhóm nổi bật nhất ở phiên sáng khi giao dịch bùng nổ với những cái tên tăng mạnh. Đà tích cực của nhóm ngành này cũng giữ xuyên suốt phiên giao dịch, trong đó KSB được kéo lên mức giá trần, BCC tăng 6,5%, VLB tăng 5,8%, HHV tăng 3,8%, LCG tăng 3,4%... Bộ Tài chính mới đây cho biết ước thanh toán đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch, đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, tâm điểm vào cuối phiên giao dịch tập trung mạnh vào nhóm bluechip VN30. Dòng tiền bất ngờ đẩy mạnh vào nhóm ngành này đặc biệt là khoảng thời gian cuối giờ. Diễn biến này ngay lập tức giúp thị trường thoát khỏi diễn biến lình xình và thậm chí VN-Index và VN30-Index đóng cửa cao nhất phiên.
Trong nhóm VN30, GVR dù vốn hóa còn khá khiêm tốn so với nhiều mã khác nhưng cổ phiếu này có sự “tỏa sáng” đầu tiên và kết phiên tăng 3,1%. Với sự dẫn dắt của GVR, các cổ phiếu khu công nghiệp như ITA, DTD, IDC, PHR… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Quay trở lại với nhóm VN30, các cổ phiếu ngân hàng như SHB, STB, ACB, BID, MBB, TCB, CTG… nhận được dòng tiền mạnh và tăng tốt giúp cũng cố sắc xanh của VN-Index. Trong đó, SHB tăng 2,7%, STB tăng 2,7%, ACB tăng 2,2%. VCB là mã tác động mạnh nhất đến VN-Index khi đóng góp 1,37 điểm. Tiếp sau đó, BID đóng góp 1,12 điểm. GVR và CTG đóng góp lần lượt 0,64 điểm và 0,5 điểm.
Chiều ngược lại, SSB và BCM là 2 mã hiếm hoi giảm giá ở nhóm VN30, trong đó, SSB giảm 2,7% còn BCM giảm 0,6%. Đây cũng là 2 mã lấy đi nhiều nhất của VN-Index với lần lượt 0,4 điểm và 0,1 điểm.
Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index phiên 3/1. |
Hiệu ứng từ nhóm bluechip đã lan tỏa rộng tới nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác. Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, các mã như HQC, HNG, OGC, PIM, VPB, DGW… cũng đồng loạt tăng trần. Đáng chú ý, HVN được kéo lên mức giá trần sau thông tin có thể không bị hủy niêm yết theo luật mới. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa thông báo sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Đáng chú ý, tại Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,45 điểm (1,1%) lên 1.144,17 điểm. Toàn sàn có 395 mã tăng, 106 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,65 điểm (0,72%) lên 231,64 điểm. Toàn sàn có 118 mã tăng, 54 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (0,25%) lên 87,8 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt gần 720 triệu cổ phiếu, trị giá 14.708,57 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với phiên hôm qua, trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận đạt 1.603,86 tỷ đồng. Còn ở sàn HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 61,6 triệu đơn vị, trị giá 1.138 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp. |
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 226 tỷ đồng trên toàn thị trường trong đó riêng HoSE bán ròng 206 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn này bán ròng chủ yếu CCQ ETF nội FUESSVFL với 205 tỷ đồng. SSI, DXG, DGC và SHB đứng sau nhưng giá trị chỉ đều hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VCB với 64 tỷ đồng. VHC và STB được mua ròng lần lượt 40 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn