Dòng tiền yếu, nhóm VN30 “chìm” trong sắc đỏ

VN-Index kết thúc ở mức 1.246,09 điểm, giamr 0,28%, khối lượng giao dịch tăng khoảng 6,3% và bằng chỉ 70% mức trung bình. Bước sang phiên 22/1, thị trường mở cửa với sự tăng điểm nhẹ. Nhưng sau đó, áp lực bán đã bắt đầu lan rộng, đẩy VN-Index giảm nhẹ sau hơn 1 giờ giao dịch. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng không mấy khả quan, khi số mã giảm giá vượt trội. VN-Index sau đó biến động giằng co với những đợt trồi sụt liên tục. Thị trường thiếu vắng động lực mua đẩy giá. Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức rất thấp, phản ánh tâm lý giao dịch cầm chừng của nhà đầu tư khi nhu cầu hạ tỷ trọng danh mục vẫn nhỉnh hơn trong giai đoạn cuối năm âm lịch.

Sau giờ nghỉ trưa thị trường vẫn biến động hẹp quanh mốc tham chiếu với những nhịp tăng, giảm điểm liên tục. Tuy nhiên, khoảng nửa sau của thời gian giao dịch buổi chiều, với việc sắc đỏ áp đảo trên bảng điện tử đã khiến VN-Index chỉ biến động dưới mốc tham chiếu. Cả VN-Index và VN30-Index thậm chí còn đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Dù vậy, nhìn tổng thể mức giảm của VN-Index cũng không quá mạnh khi vẫn còn khá nhiều trụ đỡ.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,29%) xuống 1.242,53 điểm. HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,46%) xuống 220,67 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,26%) lên 93,08 điểm.

LPB là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường.

Toàn thị trường ghi nhận chỉ 286 mã tăng, trong khi có đến 422 mã giảm giá và 870 mã đứng giá/không giao dịch. Dù thị trường biến động tiêu cực nhưng vẫn ghi nhận 23 mã tăng trần, trong khi có 12 mã giảm sàn.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh trong phiên hôm nay và tác động xấu đến thị trường chung, trong đó, HDB, BVH, BCM, VRE, PLX hay GVR đều có mức giảm khá mạnh. HDB giảm đến 2,87% xuống 22.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,54 điểm.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu như BID, VHM, VCB… cũng chìm trong sắc đỏ. BID giảm 0,75% và lấy đi 0,49 điểm của VN-Index.

Chiều ngược lại, trong top 8 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index chỉ có SSB và STB nằm trong VN30. Trong khi đó, LPB là mã tác động tích cực nhất với 1,1 điểm. Chốt phiên, LPB tăng 4,87% lên 33.400 đồng/cổ phiếu. HVN cũng tăng 2,47% lên 27.000 đồng/cổ phiếu và cũng đóng góp 0,34 điểm. Các mã như FRT, BSR… cũng đều tăng giá tốt. 

Nhóm cổ phiếu Viettel tiếp tục là tâm điểm khi đồng loạt tăng giá. Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu này thường biến động tích cực khi thị trường chung gặp khó. Chốt phiên, VTP tăng 2,8%, VGI tăng 3,5%, CTR tăng 4,2%, VTK tăng 7%.

Ở hướng ngược lại, NVL tiếp tục khiến nhà đầu tư phải “đau đầu” khi giảm 3,98% xuống mức thấp nhất lịch sử chỉ còn 8.680 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu bất động sản khác như HDG, DPG, CEO, DXG… cũng đều chìm trong sắc đỏ.

Tại nhóm chứng khoán, VDS và HCM là hai trong số ít những mã có được sắc xanh, trong khi đó, VND, BSI, CTS, MBS, AGR… đều chìm trong sắc đỏ.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 509 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 12.032 tỷ đồng, tăng 5% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.707 tỷ đồng. Giá trị giao dịch ở HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.227 tỷ đồng và 593 tỷ đồng. HDB là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất thị trường với giá trị 426 tỷ đồng. FPT và CTR giao dịch lần lượt 417 tỷ đồng và 373 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 280 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã GMD với 48 tỷ đồng. FRT và FPT bị bán ròng lần lượt 47 tỷ đồng và 43 tỷ đồng. Chiều ngược lại, LPB được mua ròng mạnh nhất với 85 tỷ đồng. HDB cũng được mua ròng 30 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn