Dòng vốn 140.000 tỷ đồng sắp vào Phú Yên

Nguồn vốn 'khủng' đổ về Phú Yên

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư 2024 diễn ra vào ngày 3/3, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chủ trương, chứng nhận đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 14 dự án, tổng số vốn gần 10.500 tỷ đồng.

Theo đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch chiếm một nửa số dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư.

Các dự án có số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Núi Thơm (vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, Công ty CP Sao Phương Bắc Phú Yên); dự án Xây dựng Khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm (gần 2.000 tỷ đồng, Công ty CP Everland Phú Yên); dự án Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort (gần 1.050 tỷ đồng, Công ty TNHH Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort); Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm (hơn 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Việt An Phú Yên).

z5212008291125_7f1e60ce040ce8faf0ce9a194f828dfe

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo tỉnh Phú Yên chụp hình với các nhà đầu tư. Ảnh: T.X

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng trao 5 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký 128.800 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tìm hiểu cơ hội đầu tư 3 dự án gồm: Dự án Cảng Bãi Gốc (vốn dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 13.300 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 86.000 tỷ đồng).

Công ty CP Tập đoàn N&G tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao, vốn đầu tư khoảng 2.550 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn TH tiếp tục đầu tư dự án Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên, khoảng 1.550 tỷ đồng; Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và phát điện, khoảng 1.400 tỷ đồng…

Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp quyết định đầu tư 3 dự án tại địa phương này gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, dự án cảng Bãi Gốc và Dự án Khu liên hợp Thép Hòa Phát Phú Yên, với tổng vốn đầu tư 3 dự án khoảng 120.000 tỷ đồng.

Ông Long kỳ vọng, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, đóng góp ngân sách mỗi năm trên dưới 10.000 tỷ đồng cho địa phương.

Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô trên 8 triệu tấn/năm và đến năm 2025 sẽ đạt 14 triệu tấn/năm. Hiện, tập đoàn có 2 Khu liên hợp sản xuất thép lớn tại Hải Dương và Quảng Ngãi.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Phú Yên sẽ xây dựng và phát triển KKT Nam Phú Yên trở thành KKT tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng,... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hidro, Amoniac xanh...), Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển.

Đi kèm với đó là tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa, kết nối với các đô thị lớn và khu công nghiệp trên địa bàn.

"Ngay sau hội nghị này, Phú Yên phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Đồng thời, rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Xem thêm tại nhadautu.vn