Đồng Yên tăng vọt sau quyết định bất ngờ của BOJ: FPT, Minh Phú, Sao Ta “mừng thầm”, gã khổng lồ ngành hàng không “đau đầu” với khoản vay ngoại tệ

Ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ thông báo nâng lãi suất và công bố kế hoạch chi tiết cắt giảm chương trình mua trái phiếu, tiến thêm một bước trong việc rút lại chính sách kích cầu khổng lồ đã áp dụng cả 1 thập kỷ. Quyết định của BOJ đã tác động đến sức mạnh của đồng Yên, tỷ giá JPY/VND ngay lập tức đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, kể từ đầu tháng 3.

photo-1722438650754

Nhật Bản là đối tác ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4. Vì thế, việc đồng Yên tăng giá chắc chắn sẽ tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu sang Nhật Bản nói riêng.

Nhắc đến Nhật Bản, không thể bỏ qua FPT khi đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. 6 tháng đầu năm, mảng Dịch vụ CNTT nước ngoài mang về cho FPT 14.573 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thị trường Nhật Bản đóng góp hơn 5.700 tỷ đồng (tỷ trọng 39%), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

photo-1722438662059

Cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm của FPT

Nếu tính theo đồng Yên, doanh thu từ thị trường Nhật Bản trong nửa đầu năm tăng đến hơn 41% so với cùng kỳ 2023. Để dễ hình dung, mức doanh thu 6 tháng đầu năm tại thị trường Nhật Bản sẽ tăng thêm khoảng 343 tỷ đồng nếu quy đổi theo tỷ giá JPY/VND ngày 31/7. Điều này cho thấy FPT đang lỗ tỷ giá tương đối tại thị trường Nhật Bản. Dù vậy, với xu hướng mạnh lên của đồng Yên, khoản lỗ này có thể sẽ được thu hẹp thời gian tới, thậm chí có thể đảo chiều chuyển lãi.

Nhật Bản được đánh giá sẽ vẫn là thị trường trọng điểm trong tương lai của FPT khi quốc gia này đang chạy đua với chuyển đổi số, ra sức ghép nối chuỗi cung ứng phát triển và vận hành hệ thống CNTT nhằm bắt kịp với các nước phương Tây, đặc biệt sau khi mở cửa hậu đại dịch Covid-19. Tập đoàn kỳ vọng doanh thu từ thị trường Nhật Bản duy trì mức tăng trưởng cao trên 30%/năm, hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2027.

Câu chuyện tương tự với các doanh nghiệp thuỷ sản khi Nhật Bản lâu nay vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là tôm. Như trường hợp của Thuỷ sản Minh Phú (MPC), Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của doanh nghiệp này, sau Bắc Mỹ và Úc. Năm 2023, thị trường Nhật Bản mang về hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu cho MPC, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2022 và chiếm 18,7% tổng doanh thu.

photo-1722438680497

Cơ cấu doanh thu của Thuỷ sản Minh Phú

Mộ doanh nghiệp thuỷ sản khác là Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng mạnh lên của đồng Yên. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), FMC là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản. Báo cáo gần đây của SSI Research cho thấy, thị trường Nhật Bản chiếm đến 45% doanh thu của FMC trong năm 2023.

photo-1722438689028

Về cơ bản, việc đồng Yên mạnh lên sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực đến các nhà nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản. Tại Việt Nam, các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ôtô, chất dẻo nguyên liệu…

Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sử dụng nợ vay bằng ngoại tệ này. Một trong những doanh nghiệp có dư nợ vay bằng đồng Yên lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam là Cảng Hàng không (ACV), chủ yếu là các khoản vay từ nguồn vốn ODA phục vụ đầu tư các dự án Nhà ga Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo BCTC hợp nhất quý 2/2024, các khoản vay bằng đồng Yên của ACV tính đến ngày 30/6 có dư nợ gốc 63,5 tỷ Yên. Ước tính theo tỷ giá hiện tại, dư nợ vay quy đổi sang VND của ACV vào khoảng 10.650 tỷ đồng, tăng 200 tỷ so với thời điểm cuối quý 2 vừa qua. Điều này đồng nghĩa với việc ACV tạm lỗ tỷ giá với số tiền trên nếu dư nợ vay ngoại tệ không thay đổi đến thời điểm này.

Nhìn chung, khó có thể đong đếm chính xác tác động của việc đồng Yên mạnh lên bởi thực tế các doanh nghiệp có nhiều biện pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ngoài việc lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, các doanh nghiệp có thể sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.

Xem thêm tại cafef.vn