Đột phá về xuất khẩu, doanh nghiệp phân bón lớn nhất sàn chứng khoán đã hoàn thành 77% kế hoạch năm

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) vừa công bố báo cáo sản xuất kinh doanh tháng 6/2024, cho thấy doanh nghiệp đã hoàn thành 77% kế hoạch xuất khẩu năm 2024. Đáng chú ý, vào tháng 7/2024, doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh toán cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20% mệnh giá.

Trong tháng 6/2024, Phân bón Cà Mau sản xuất được 83.590 tấn ure, giảm 2,2% so với tháng trước và 12.620 tấn NPK, giảm 50%. Lượng tiêu thụ ure trong tháng đạt 58.010 tấn, với 43.340 tấn tiêu thụ nội địa (giảm 30%) và 14.680 tấn xuất khẩu (tăng 74%). Lượng tiêu thụ NPK đạt 42.020 tấn, tăng 58%.

Trong nửa đầu năm 2024, Phân bón Cà Mau sản xuất được 502.080 tấn ure, hoàn thành 56% kế hoạch năm và 98.490 tấn NPK hoàn thành 54%. Sản lượng tiêu thụ ure đạt 453.210 tấn, trong đó 278.970 tấn tiêu thụ trong nước hoàn thành 53% và 174.240 tấn xuất khẩu hoàn thành 77%. Lượng tiêu thụ NPK đạt 76.880 tấn, hoàn thành 42% kế hoạch năm.

Đột phá về xuất khẩu, doanh nghiệp phân bón lớn nhất sàn chứng khoán đã hoàn thành 77% kế hoạch năm
Nguồn:DCM

Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất 81.710 tấn ure và tiêu thụ 65.000 tấn trong tháng 7/2024. Đối với NPK, doanh nghiệp dự kiến sản xuất 16.100 tấn và tiêu thụ 20.000 tấn.

Phân bón Cà Mau sẽ thực hiện thanh toán cổ tức năm 2023 vào ngày 11/7/2024. Ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông là 25/6, và ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/6. Doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20% mệnh giá, tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu. Với 529,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Phân bón Cà Mau sẽ chi khoảng 1.058 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Phân bón Cà Mau đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 841,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 794,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng dự kiến chia cổ tức 10% trong năm 2024.

Mới đây, Đạm Cà Mau đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty Phân bón Hàn - Việt (KVF) có vốn điều lệ gần 2.054 tỷ đồng. KVF sở hữu nhà máy sản xuất phân NPK với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm, tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD. Việc sáp nhập nhà máy này sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiềm năng tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Đồng thời, theo chứng khoán DSC, giá ure còn có dư địa tăng khi nguồn cung khí tự nhiên sẽ thắt chặt hơn trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 do căng thẳng địa chính trị và giá dầu dự kiến neo ở mức cao hơn 5-8% so với hiện tại.

Qua đó, DSC đánh giá Đạm Cà Mau sẽ hưởng lợi lớn từ việc giá ure tăng mạnh trong thời gian tới. Được biết, DCM là một trong hai doanh nghiệp sản xuất ure hàng đầu, chiếm thị phần tới 60% tại Đồng bằng sông Cửu Long. So với Đạm Phú Mỹ (DPM), DCM có ưu thế hơn về tỷ trọng và thị trường xuất khẩu, phân bố tại thị trường Đông Nam Á, Mỹ Latinh.

Đột phá về xuất khẩu, doanh nghiệp phân bón lớn nhất sàn chứng khoán đã hoàn thành 77% kế hoạch năm
Diễn biến giá cổ phiếu DCM

Trên thị trường, cổ phiếu DCM chốt phiên 12/7 đạt 39.800 đồng/cp, tăng 35% từ đầu năm, vốn hóa tương ứng hơn 20.800 tỷ đồng, lớn nhất nhóm doanh nghiệp phân bón trên sàn chứng khoán.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn