Dự án điện khí LNG đầu tiên của Việt Nam chậm tiến độ vì vấn đề thuê đất, cổ phiếu PV Power (POW) vẫn tăng “bốc đầu”, điều gì đang xảy ra?

Cổ phiếu POW của PV Power đang tạo nên cơn sốt thực sự trên sàn chứng khoán với liên tiếp các phiên tăng mạnh cùng thanh khoản cao. Phiên 3/6 vừa qua, POW thậm chí còn tăng kịch trần lên 13.450 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh hơn 42,9 triệu đơn vị, cao nhất toàn sàn. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu này trong 29 tháng, kể từ phiên 12/1/2022.

Tính từ khi rơi xuống đáy trung hạn hồi giữa tháng 4, thị giá POW đã tăng gần 29% để trở lại vùng giá cao nhất trong vòng hơn 9 tháng. Vốn hóa thị trường của PV Power cũng theo đó tăng 7.000 tỷ sau 5 tuần giao dịch, đạt xấp xỉ 31.500 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí số 1 ngành điện trên sàn chứng khoán.

photo-1717428547708

Tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục

Cổ phiếu POW tăng bốc đầu với nhiều câu chuyện hỗ trợ đáng chú ý. Đầu tiên là tiêu thụ điện cả nước đang tăng vượt kỳ vọng, với mức tăng đáng kể 12% trong quý 1/2024, lên 69,3 tỷ kWh. Mức tăng này vượt kỳ vọng 9% theo kế hoạch Bộ Công thương đặt ra hồi đầu năm và cũng mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự phóng mức tiêu thụ điện tăng đột biến 13% trong mùa hè tới (tháng 5 đến tháng 7). Miền Bắc dự kiến sẽ có mức tăng mạnh hơn, với nhu cầu tăng kỷ lục 17% svck. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc ngày 28/5 đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ hWh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh.

Để giải quyết nhu cầu tăng đột biến, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện điều chỉnh cho cả mùa khô và cả năm 2024. Trong khi sản lượng điện từ thủy điện và khí đốt gặp khó khăn do điều kiện thời tiết và nguồn cung, điện than được huy động gần tối đa công suất, trong đó có các nhà máy của PV Power, đặc biệt là Vũng Áng 1.

photo-1717428564735

Theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, sản lượng điện 5 tháng đầu năm của PV Power ước đạt 6.940 triệu kWWh, doanh thu tương ứng 13.052 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước gần 670 tỷ đồng. Với kết quả này, tổng công ty đã thực hiện 41% kế hoạch doanh thu (31.736 tỷ đồng) và 67% mục tiêu lợi nhuận (995 tỷ đồng) đề ra cho cả năm 2024.

Tăng vốn thêm tối thiểu 5.000 tỷ đồng

Trong báo cáo mới đây, Vietcap cho biết ban lãnh đạo PV Power dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ trong ngắn hạn. Trước đó vào tháng 10/2023, PV Power đã trình phương án tăng vốn điều lệ lên PVN. PV Power không tiết lộ phương pháp đề xuất nhưng cho biết mức tăng vốn điều lệ sẽ là 5.000 tỷ đồng. Theo Vietcap, PV Power có thể sẽ tăng vốn điều lệ bằng cách sử dụng lợi nhuận giữ lại và quỹ phát triển, lên tới 7.800 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2024, thay vì huy động vốn mới.

Ngoài ra, Vietcap tin rằng việc tăng giá điện bán lẻ ở Việt Nam sẽ giúp tăng cường tiền mặt và số dư đầu tư ngắn hạn của PV Power, đạt 9.100 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024, để tài trợ cho thành phần vốn chủ sở hữu của Nhơn Trạch 3&4, 30% cổ phần trong dự án nhà máy điện và kho cảng LNG Quảng Ninh và các dự án khác như dự án thủy điện Luang Prabang ở Lào, Thanh Hóa LNG, Nam Du LNG và các tòa nhà mới làm trụ sở chính.

Nếu PV Power đảm nhận thêm các dự án như LNG Sơn Mỹ, LNG Miền Trung ở Miền Trung, LNG Cà Mau 3 ở Đồng bằng sông Cửu Long và dự án điện gió ngoài khơi 800 MW, tổng công ty sẽ xem xét huy động vốn mới. Tuy nhiên, Vietcap cho rằng PV Power sẽ xem xét huy động thêm các khoản vay ngân hàng và/hoặc phát hành trái phiếu trước khi huy động thêm vốn chủ sở hữu.

Tiến độ dự án Nhơn Trạch 3&4

Một luồng thông tin quan trọng khác ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của PV Power là tiến độ dự án Nhơn Trạch 3&4 - dự án điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Theo báo cáo mới đây của VNDirect, dự án này đang phải chậm tiến độ do tranh chấp tiền thuê đất giữa PV Power và Tổng công ty Tín Nghĩa (TID).

Tính đến đầu tháng 5/2024, dự án đã hoàn thành 85% khối lượng công việc nhưng bị chậm tiến độ hơn 100 ngày do vướng mắc vấn đề thuê đất, phí sử dụng hạ tầng, khó khăn trong thi công tuyến kênh xả nước làm mát. Rào cản lớn nhất của dự án nằm ở 30,7 ha đất còn lại chưa được ký hợp đồng thuê đất.

PV Power đã ký hợp đồng thuê 11,6 ha trực tiếp từ chính quyền tỉnh Đồng Nai với mức giá hợp lý là 3,5 USD/m2. Tuy nhiên, đối với diện tích còn lại, Tín Nghĩa đề nghị mức giá cho PV Power thuê lại cao hơn gấp 28 lần (100 USD/m2 so với 3,5 USD/m2). Chênh lệch đáng kể này sẽ làm tăng vốn đầu tư của dự án thêm 828 tỷ đồng nếu PV Power đồng ý thanh toán. Vệc chậm ký hợp đồng thuê đất đối với phần đất còn lại có thể dẫn đến việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tạm dừng giải ngân, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hoàn thành của dự án.

Ở một góc độ khác, Vietcap lại cho rằng Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 vẫn đang đi đúng kế hoạch để đáp ứng dự báo của CTCK này về ngày vận hành thương mại (COD) bất chấp những thách thức ngắn hạn về giá thuê đất. Theo đó, Nhơn Trạch 3&4 sẽ đi vào hoạt động muộn hơn 6-12 tháng so với kế hoạch của PV Power, tức là giữa năm 2025 đối với Nhơn Trạch 3 và giữa năm 2026 đối với Nhơn Trạch 4.

Vietcap kỳ vọng PV Power và Tín Nghĩa sẽ đạt được thỏa thuận chung với giá cho thuê trung bình vào khoảng 50 USD/m2, đẩy vốn đầu tư Xây dựng cơ bản (XDCB) của Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 lên thêm khoảng 430 tỷ đồng. CTCK này cho rằng PV Power đã thiết lập một khoản dự phòng đầy đủ cho các chi phí vượt mức/trì hoãn nhằm trang trải cho số vốn đầu tư phát sinh ngoài dự kiến này mà không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất hoàn vốn của dự án.

Quá trình đàm phán PPA

Về quá trình đàm phán PPA, PV Power lạc quan về tỷ lệ bao tiêu tổng sản lượng ở mức 80% trong khi EVN đề xuất ngưỡng thấp hơn là 65%. Sự khác biệt này có thể xuất phát từ lo ngại của EVN về giá thành điện LNG cao và giá LNG thường biến động mạnh. Các nhà máy điện sử dụng LNG thường giá bán điện cao, dao động từ 2.400-2.600 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với giá bán điện bình quân hiện nay của EVN là 2.000 đồng/kWh.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định gần đây của Bộ Công Thương đưa ra một giải pháp trung gian tiềm năng. Dự thảo yêu cầu đảm bảo mua tối thiểu 70% sản lượng của nhà máy điện LNG trong thời gian trả nợ, đảm bảo khả năng vay vốn của dự án. Yêu cầu này được giới hạn ở mức 7 năm để giảm thiểu tác động đến giá điện bán lẻ và duy trì sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.

VNDirect cho rằng dự thảo này sẽ giúp EVN và POW tiến gần hơn đến thỏa thuận chung, đảm bảo tiến độ dự án. Tại ngày 28/5, Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá điện sử dụng LNG. Đây có thể là bước tiến tích cực cho quá trình đàm phán PPA cho Nhơn Trạch 3&4.

Xem thêm tại cafef.vn