Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD chính thức được thông qua: Doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Chiều 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với 443/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD). Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Chứng khoán Yuanta, các ngành Sắt thép, VLXD, Nhà thầu xây dựng, Xây dựng điện, thiết bị điện, Các công ty đường sắt, Ngân hàng và Bất động sản sẽ được hưởng lợi từ dự án.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD chính thức được thông qua: Doanh nghiệp nào hưởng lợi?- Ảnh 1.

Trong đó, Yuanta đánh giá sắt thép sẽ là ngành hưởng lợi rõ nhất vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án. Yuanta ưu tiên Hòa Phát (HPG) nhờ lợi thế thép HRC và Dung Quất 2 giúp mở rộng năng lực sản xuất. Yuanta nhận định giá trị các hạng mục liên quan toàn bộ dự án của ngành sắt thép khoảng 51,8 tỷ USD.

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra vào tháng 9/2024, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán HPG) cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị và nghiên cứu về việc phát triển thép dành cho đường ray đường sắt cao tốc trong 2-3 năm qua.

Ông Long khẳng định Hoà Phát đủ năng lực cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Thép được cam kết về chất lượng, thời hạn giao hàng và giá cả thấp hơn thép nhập khẩu.

Giá trị các hạng mục của ngành VLXD (đá, xi măng, gạch ốp lát) ước tính với 35 tỷ USD. Với các doanh nghiệp đá, ưu tiên các doanh nghiệp còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới như Hóa An, Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương và  Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa.

Xi măng và gạch ốp lát chọn doanh nghiệp đầu ngành, năng lực sản xuất lớn như  Xi Măng VICEM Hà Tiên, Xi măng Bỉm Sơn, Phú Tài và Vicostone.

Về các nhà thầy xây dựng, theo Yuanta, mặc dù tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ. Yuanta chọn các doanh nghiệp đầu ngành, có chuyên môn và uy tín cao như Coteccons, Fecon, CIENCO4, Tổng Công ty xây dựng số 1, Vinaconex, Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả.

Đối với các ngân hàng cho vay, Yuanta cho rằng các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án. Yuanta ưu tiên lựa chọn các ngân hàng quốc doanh.

Xem thêm tại cafef.vn