Dự án nhà máy điện 41.000 tỷ đồng ‘đóng băng’ gần 1 thập kỷ do PETROCONs (PVX) làm tổng thầu chính thức được nghiệm thu

Ngày 9/7, Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 cho biết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (Hội đồng NTNN) Bùi Xuân Dũng vừa phát đi thông báo của Hội đồng về Kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành của Chủ đầu tư đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2.

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dự án gồm 2 tổ máy có công suất 600 MW, mỗi năm sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam (PVN) làm chủ đầu tư. Tổng thầu EPC là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PETROCONs (PVX).

Trước đó, ngày 22/12/2023, chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình. Tính đến 24h ngày 31/5/2024, tổng sản lượng điện năng chạy thử và thương mại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã phát lên lưới điện quốc gia là hơn 7,040 tỷ kWh.

Căn cứ theo hồ sơ, tài liệu quản lý chất lượng, kết quả các đợt kiểm tra công trình, ý kiến của chuyên gia hội đồng cho thấy, Dự án nhiệt điệnh Thái Bình 2 đã được thi công cơ bản theo thiết kế. Chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành và thực hiện các thủ tục pháp lý đối với dự án theo quy định.

Dự án nhà máy điện 41.000 tỷ đồng ‘đóng băng’ gần 1 thập kỷ do PETROCONs (PVX) làm tổng thầu chính thức được nghiệm thu
Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2

Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện đối với Tổ máy số 1, Tổ máy số 2, các hạng mục dùng chung của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 (không bao gồm bãi thải xỉ 12,8ha; cảng nhập dầu HFO; khu neo đậu tàu và kho than số 3).

NMNĐ Thái Bình 2 từng đối diện nguy cơ “đắp chiếu”

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 khởi công ngày 1/3/2011 với tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng. Được kỳ vọng tạo ra động lực phát triển kinh tế cho Thái Bình và các địa phương lân cận song gần 10 năm triển khai đầu tư xây dựng, lắp đặt, NMNĐ Thái Bình 2 vẫn dang dở và có nguy cơ “đắp chiếu” do vấp phải vô số khó khăn.

Cụ thể, PVX - Tổng thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào năm 2016 vướng phải một loạt các vụ việc khiến cả tổng công ty bị suy giảm năng lực. Đặc biệt khi bị phong tỏa tài chính, uy tín sụt giảm mạnh, PVX đã khiến không chỉ dự án NMNĐ Thái Bình 2 bị đình trệ mà các dự án khác đang triển khai cũng điêu đứng.

Tình hình tài chính của Tổng thầu rơi vào khủng hoảng. Các phát sinh về chi phí do chậm tiến độ như chi phí quản lý dự án, tư vấn quốc tế, bảo hiểm, biến động tỷ giá, lãi suất trong quá trình xây dựng tăng cao. Thiết bị đã được lắp đặt và không vận hành trong thời gian dài, đã hết hạn bảo hành, mặc dù đã được các bên bảo quản nhưng không tránh khỏi xuống cấp.

Sau đó, khi cơ chế mở ra, vướng mắc vừa được tháo gỡ thì dịch Covid-19 ập tới làm gián đoạn nguồn vật tư, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt việc huy động nguồn nhân lực từ các nhà thầu nước ngoài vô cùng khó khăn, Chủ tịch HĐTV PVN Nam Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

Nhiều hạng mục xây dựng, lắp đặt đạt tỷ lệ tới hơn 90% nhưng không thể hoàn thiện vì thiếu kinh phí, thiết bị. Thậm chí, có thời điểm dự án rơi vào bế tắc, có ý kiến cho rằng phải đưa dự án vào danh sách những dự án yếu kém ngành công thương. Nguy cơ phải thay tổng thầu làm lại từ đầu hiện hữu.

Tuy nhiên, theo tư vấn quản lý dự án, đánh giá của Giám sát quốc tế tại dự án cho thấy: Việc thay một tổng thầu trong lúc dự án đã ký kết hàng trăm hợp đồng thầu phụ trong nước cũng như quốc tế; Hầu hết các hạng mục xây lắp, công nghệ đều đang được triển khai dở dang, chưa được nghiệm thu, đánh giá, thanh quyết toán và bàn giao; hơn thế nữa là các nghĩa vụ liên quan đến bảo hành vật tư, thiết bị toàn dự án cho thấy sẽ đem đến rủi ro rất lớn cả về chất lượng, quản lý tiến độ cũng như chi phí của dự án.

Trong tình cảnh Tổng thầu dự án bị suy giảm về năng lực, gần như mất khả năng hoạt động trong thời gian dài. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - vai trò là Chủ đầu tư dự án), Ban QLDA xác định cần động viên, hỗ trợ, kể cả phải “làm thay” việc của Tổng thầu (một đơn vị trực thuộc Petrovietnam) để đẩy dự án tiếp tục triển khai. Thời điểm này, Ban QLDA phải "kiên trì thuyết phục" để tránh rủi ro xảy ra nếu nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm.

Trong lúc đang lựa chọn nhà thầu, Ban QLDA đã hợp tác với Lilama điều động lực lượng, lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm triển khai dự án để hỗ trợ lập mặt bằng giao nhận, bảo quản thiết bị sao cho phù hợp với các bước thi công thực tế các hạng mục trên công trường và phù hợp với tiến độ giao hàng (thiết bị, vật tư) của dự án.

Chung ý chí vượt khó, từ chỗ rơi vào tình trạng đóng băng, NMNĐ Thái Bình 2 đã phát những tín hiệu tươi sáng. Ngày 23/2/2022, dự án hoàn thành đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy 1 và 6 tháng sau, ngày 27/8/2022, Tổ máy 2 tiếp tục thực hiện thành công. Các hạng mục công trình của dự án cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng theo yêu cầu thiết kế. Ngày 22/12/2023, chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình.

Tình hình tài chính hiện tại của Tổng thầu PVX

Từng là đơn vị đứng đầu cả nước về xây lắp công nghiệp, có năng lực về vốn cũng như thiết bị gấp 5 lần một tổng công ty xây lắp khác thời điểm những năm 2007-2010, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam hiện đã bị suy giảm đáng kể về mặt tài chính.

Dự án nhà máy điện 41.000 tỷ đồng ‘đóng băng’ gần 1 thập kỷ do PETROCONs (PVX) làm tổng thầu chính thức được nghiệm thu
Lợi nhuận PVX lao dốc kể từ năm 2016

5 năm liên tiếp, doanh nghiệp này bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC (2019-2023). Tại thời điểm 31/12/2023, PVX lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng, cùng với số nợ phải trả ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Do đó, đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của Công ty.

Sau khi kiểm toán vào cuộc, PVX ghi nhận khoản lỗ ròng tăng thêm 41 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Theo đó PVX lỗ ròng tổng cộng gần 160 tỷ đồng trong năm 2023.

Đồng thời, đơn vị kiểm toán đưa ra 15 vấn đề để tạo thành cơ sở từ chối đưa ra ý kiến. Hầu hết là bởi kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ tài liệu thích hợp liên quan đến giá trị thuần có thể thực hiện được hoặc khả năng mang lại lợi ích kinh tế tại các dự án PVX đầu tư: nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhiệt điện Quảng Trạch 1; khu đô thị Đại học Dầu khí và KCN Dầu khí Tiền Giang; các công trình thi công dở dang thuộc công ty con - CTCP Dầu khí Đông Đô (bao gồm các công trình Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Chung cư Trần Anh - Long An và Thi công nhà đa năng quận 1);…

Trên thị trường, sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) huỷ niêm yết vào ngày 9/6/2020, cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam được giao dịch trên sàn UPCoM.

Dự án nhà máy điện 41.000 tỷ đồng ‘đóng băng’ gần 1 thập kỷ do PETROCONs (PVX) làm tổng thầu chính thức được nghiệm thu
PVX giảm 80% thị giá trong 2 năm qua

Tạm dừng phiên sáng nay (10/7), PVX đứng ở mốc tham chiếu 2.100 đồng/cp, giảm 80% sau 2 năm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn