Dự báo bất ngờ về lãi suất huy động trong tháng 8

Theo thống kê của VnBusiness, trong tháng 7 có 19 ngân hàng tăng biểu lãi suất từ 0,1% - 1,3%, gồm: MB, VIB, VPBank, Sacombank, ABBank, BVBank, BacABank, KLBank, Saigonbank, PVCombank, Vietbank, PGBank, BIDV, SHB, NCB, Eximbank, SeABank, GPBank và BaoViet Bank.

Lãi suất vượt 6%/năm

Ngày 30/7, SHB tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, mức tăng thêm 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 3,6%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất được SHB niêm yết lên đến 6,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.

-7390-1722335569.jpg

Lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng tính đến cuối tháng 7.

Ngoài SHB, một số ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên, tập trung ở các kỳ hạn dài.

Cụ thể, ABBank là nhà băng tăng mạnh nhất, với mức điều chỉnh từ 0,6% đến 1,3% cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này có lãi suất 6,2%/năm, mức cao nhất hệ thống.

Các ngân hàng khác như SeABank, Oceanbank, NCB, BVBank cũng tăng lãi suất, từ 6%/năm trở lên với các kỳ hạn dài 15-24 tháng.

Đáng chú ý, nhóm Big 4 có BIDV vừa tăng lãi suất huy động trực tuyến ở kỳ hạn dài. Cụ thể, lãi suất huy động tiền gửi online tại BIDV tăng thêm 0,1% đối với kỳ hạn 24-36 tháng. Hiện, lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn này ở mức 4,9%/năm.

Với việc điều chỉnh lãi suất, BIDV tiếp tục là ngân hàng trả lãi suất cao thứ hai trong nhóm Big4. VietinBank vẫn đang là ngân hàng trả lãi suất cao nhất lên đến 5%/năm cho tiền gửi trực tuyến, trong khi Vietcombank và Agribank niêm yết mức lãi suất cao nhất ở mức 4,7%/năm.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5%/năm, nhưng hiện nay đã lên tới 6,2%/năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều gấp đôi, từ 12 lên 26.

Trong xu hướng này, các chuyên gia nhận định làn sóng tăng lãi suất huy động vẫn "âm ỉ" diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại và được dự báo sẽ tăng tiếp trong tháng 8 và những tháng cuối năm. Đặc biệt, mức lãi suất huy động trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh ở nhiều ngân hàng trong tháng 8.

Huy động vốn sẽ tăng hơn 10%

Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê, đến ngày 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023 - là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng bật tăng mạnh đạt 6% vào cuối tháng 6.

Nhiều ý kiến cho rằng bước sang quý III, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng 15% đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao ngay từ đầu năm.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, vàng thời gian qua...

Ông phân tích, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2024 là 4-4,5%, so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay ở mức 4,7-6,2%/năm, người gửi tiền tiết kiệm nhận được lãi suất thực dương vẫn thấp nếu như lạm phát không được kiềm chế tốt.

Chưa kể tỷ giá đang ở mức cao và dự báo vẫn còn nhiều biến động trong thời gian tới. “Tỷ giá có thể tăng nhanh trong những tháng tới nếu gặp phải áp lực nhập siêu cuối năm. Do đó, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng”, ông Hiếu nói.

Theo nhận định của các tổ chức tài chính, hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, đồng thời NHNN vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng khả năng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn.

MBS, UOB… đánh giá lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5-1%.

Trong khi đó, dù dự báo lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song giới phân tích cho rằng mức tăng không lớn khi tín dụng còn yếu.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Với mức lãi suất huy động được dự báo tiếp tục tăng, các nhà băng kỳ vọng tiền nhàn rỗi sẽ trở lại hệ thống ngân hàng.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2024 của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho thấy, các tổ chức tín dụng cũng nhận định tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý III và cả năm nay. Theo đó, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn của toàn hệ thống sẽ tăng 10,1% trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn