Dự báo các hãng vận tải biển sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2024
Thách thức lớn từ Biển Đỏ
Các vụ tập kích nhằm vào các tàu hàng trên Biển Đỏ vài tháng qua đang bóp nghẹt Kênh đào Suez là một trong những tuyến thương mại chính của thế giới.
Các tàu hàng container vì thế phải tránh đi qua kênh đào Suez khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kéo giá sản phẩm lên cao đúng thời điểm cả thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát.
Kênh đào Suez hiện đóng góp 10 - 15% thương mại toàn cầu và khoảng 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới. Đây là tuyến đường kết nối châu Á tới châu Âu, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế.
Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đang gây khó khăn cho tuyến vận tải nhưng đây hầu như không phải là vấn đề duy nhất mà các hãng vận tải lớn phải đối phó khi năm 2024 bắt đầu.
"Gã khổng lồ" vận tải biển Maersk của Đan Mạch, vốn chuyên chở 90% khối lượng thương mại toàn cầu, phải đối mặt với khả năng bị gián đoạn hoạt động từ các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới đến hạn hán ảnh hưởng tới các tuyến đường vận tải quan trọng như Kênh đào Panama.
Lịch trình của các tàu phức tạp và có thể sẽ không đồng bộ đối với các tàu container khổng lồ, tàu chở nhiên liệu và các tàu chở hàng hóa khác trong suốt cả năm.
Điều này sẽ càng làm vận chuyển hàng hóa chậm trễ và tăng chi phí đối với các nhà bán lẻ như Walmart, IKEA và Amazon, cũng như các nhà sản xuất thực phẩm như Nestle và các cửa hàng tạp hóa bao gồm Lidl.
Nhà phân tích trưởng Peter Sand của công ty cung cấp dữ liệu vận tải Xeneta cho rằng các rủi ro bổ sung trong năm 2024 sẽ bao gồm khả năng gia tăng căng thẳng ở Biển Đỏ tới Vịnh Arập làm ảnh hưởng đến các chuyến hàng vận chuyển dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục cũng khiến hoạt động buôn bán ngũ cốc trở nên khó khăn.
Trong một thông báo mới đây, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cho biết, 18 công ty vận tải biển lớn trên thế giới đang định tuyến lại hải trình của họ, theo đó đi vòng quanh châu Phi để tránh Biển Đỏ. Điều này sẽ làm đảo chiều mọi lộ trình trước kia và tác động tiêu cực đến thương mại và khiến giá cước vận tải tăng.
Cước vận chuyển tăng phi mã
Theo báo cáo của các hãng vận tải, chi phí nhiên liệu của các chủ tàu đã tăng lên tới 2 triệu USD cho mỗi chuyến khứ hồi khi chuyển hướng sang kênh đào Suez và tỷ giá giao ngay Á - Âu đã tăng hơn gấp đôi từ mức trung bình năm 2023 lên 3.500 USD/container 40 feet.
Chi phí tăng có thể dẫn đến giá hàng hóa tăng cao hơn khi đến tay người tiêu dùng, mặc dù ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng cú sốc lạm phát sẽ không tồi tệ như sự hỗn loạn trong thời gian đại dịch 2020 - 2022.
Theo Giám đốc Điều hành Alan Baer của công ty vận chuyển hàng OL USA, dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2024 sẽ tồn tại nhiều khó khăn hơn.
Liên quan đến vấn đề này, nhà cung cấp phần mềm chuỗi cung ứng Project44, việc vận chuyển hàng đi qua Kênh đào Panama, một giải pháp thay thế Kênh đào Suez, đã giảm 33% do mực nước thấp. Những hạn chế như vậy đã khiến chi phí vận chuyển hàng khô như các mặt hàng lương thực, quặng sắt, than đá và phân bón tăng mạnh vào cuối năm 2023.
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn ra phức tạp và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên của trái đất, thậm chí còn ảnh hưởng nặng nề hơn cả căng thẳng địa chính trị.
Báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, dự báo tình hình thị trường vận tải biển, trong năm 2024 sẽ không có nhiều chuyển biến khả quan. Thị trường vận tải container được dự báo cũng sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn. Nguồn hàng suy giảm do lạm phát gia tăng cũng như tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các thị trường lớn như châu Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ, Canada và EU, tăng gấp đôi so với tháng 12/2023. Trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, xuất khẩu đồ gỗ và thủy sản là hai ngành hàng chịu áp lực lớn nhất từ việc tăng giá cước này, do phần lớn các sản phẩm được xuất đi các thị trường Mỹ và châu Âu…
Theo đó, giá cước vận chuyển container diễn biến khó lường và suy giảm suốt phần lớn thời gian trong năm 2023 và chưa có dấu hiệu ổn định. Trong bối cảnh nhu cầu vận tải tăng trưởng thấp, số lượng tàu đóng mới tăng nhanh chóng, tình trạng tắc nghẽn giảm, thị trường sẽ dư nguồn cung tàu.
Không chỉ thị trường vận tải biển, lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều bất ổn, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia trên thế giới. Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động. Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, các cảng tư nhân thực hiện nhiều chính sách giảm giá, tăng chiết khấu để lôi kéo khách hàng, khiến cạnh tranh về dịch vụ cảng biển ngày càng gay gắt.
Xem thêm tại cafef.vn