Dự báo đầy lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025
Chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng vào tháng 9/2025
Trong báo có vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2025 phát hành mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy đi ngang trong nửa đầu năm; vượt cản 1.300 điểm và duy trì đà tăng trong nửa cuối năm.
Các yếu tố hỗ trợ là kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở chu kỳ tăng trưởng tích cực; môi trường lãi suất thấp duy trì, tăng trưởng tín dụng cao; nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động chính và dòng vốn ngoại cải thiện nhờ khả năng nâng hạng.
Kịch bản cơ sở, BSC dự báo VN-Index lên mức 1.436 điểm, với lợi nhuận thị trường (EPS) tăng 18% và P/E ở mức 14,2 lần.
Về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán, BSC cho biết, trong chỉ số thị trường cận biên (Frontier) do MSCI, FTSE phân loại, Việt Nam đứng Top 1 về tỷ trọng, tuy nhiên giá trị vốn hóa, thanh khoản, số lượng cổ phiếu từ lâu đã đáp ứng các tiêu chí của một thị trường mới nổi (Emerging), thậm chí còn xếp trên nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
"Việc ở lại quá lâu trong 'chiếc áo' Frontier sẽ thu hẹp cơ hội của doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài, cũng như hạn chế khả năng phát triển của thị trường để hội nhập với các tiêu chuẩn thế giới. Mặt khác, việc nâng hạng thành công sẽ cải thiện niềm tin nhà đầu tư, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế, tăng cường uy tín quốc gia," BSC nêu quan điểm.
Nếu được FTSE Russell nâng hạng, BSC dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận tối thiểu 700 triệu – 1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF/chủ động. Nhà đầu tư nước ngoài thông thường sẽ mua ròng từ 3-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo, và từ 4-5 tháng đối với MSCI. Theo đơn vị phân tích, trong kịch bản cơ sở, FTSE sẽ ra thông báo chính thức nâng hạng với thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025.
Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo, mức điểm của VN-Index cuối năm 2025 có thể đạt 1.400 – 1.420 điểm, với kịch bản các nhiễu động sẽ tiếp tục kéo dài từ năm 2024 và thời điểm tích cực sẽ là nửa cuối năm.
Trong nhịp sắp tới, với yếu tố khó lường từ việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (2 lần) thì nhiễu động thị trường sẽ vẫn còn.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể không bán ròng mạnh như năm 2024 nữa, nhưng lực bán vẫn là một trong những yếu tố kìm hãm đà tăng của VN-Index trong năm 2025.
Trong nửa đầu 2025, biên giao động chính của VN-Index dự báo xoay quanh khoảng 1.200 – 1.300 điểm. Thị trường có thể tạo ra vùng trũng trong tháng 5 - thường là giai đoạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế "Sell in May" do trũng thông tin sau mùa báo cáo tài chính quý I. Thị trường sẽ tích cực dần trong tháng 8 và tháng 9, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.
Trong năm 2025, yếu tố kinh tế vĩ mô cũng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, khối ngoại trở lại mua ròng, qua đó tạo động lực cho thị trường.
Dựa trên các dự báo đó, chuyên gia VPBankS cho rằng, giai đoạn điều chỉnh giữa năm có thể là cơ hội tốt để giải ngân, đồng thời nhấn mạnh việc chỉ có cơ hội tốt khi giá cổ phiếu có sự chiết khấu tốt.
VN-Index có thể lên mức 1.486 điểm vào cuối năm 2025
Nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2025. Cụ thể, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm trong kịch bản cơ sở với P/E mục tiêu 13,8 lần. Điều này diễn ra trong bối cảnh lãi suất toàn cầu được kỳ vọng tiếp tục giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường cận biên và mới nổi. Triển vọng nâng hạng thị trường theo FTSE và cải cách theo MSCI cũng giúp tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng, EPS VN-Index dự báo tăng 12,2% và việc dòng tiền nội địa tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với tỷ trọng giao dịch duy trì trên 90% sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Tương tự, Chứng khoán VCBS nhận định, nhờ xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới, dư địa nới lỏng tài khoá trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và động thái quyết liệt từ Chính phủ trong việc cải cách khuôn khổ pháp lý sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Thêm vào đó, vĩ mô Việt Nam đã và đang dần cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế khi GDP năm 2024 đứng đầu khu vực ASEAN, đem đến kỳ vọng lớn cho năm 2025. Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi khi Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE.
VCBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, ở mức 12%, với động lực từ ngân hàng và bất động sản. Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Trong khi đó, Chứng khoán KBSV kỳ vọng chỉ số VN-Index đạt mức 1.460 điểm, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 16,7% và định giá P/E ở mức 14,6 lần. Động lực đến từ dự báo nền tảng vĩ mô Việt Nam ổn định dưới góc độ tỷ giá (USD/VND tăng 1-2%), mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vẫn sẽ duy trì ở mức thấp so với lịch sử (với mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,3- 0,5%, trong khi lãi suất cho vay đi ngang hoặc tăng nhẹ) và Việt Nam được nâng hạng thị trường theo FTSE.
Hoàng Lam (t/h)
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn