Dự báo gam màu bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024
Loạt doanh nghiệp trên sàn “nhắm” gam màu sáng
Được giới đầu tư quen gọi với tên “bank - chứng - thép”, hàng loạt doanh nghiệp trong ba nhóm ngành này dần tiết lộ kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 2024 với gam màu hướng đến khá sáng sủa.
Trong nhóm Big4, hiện có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% năm 2024. Trong khi đó, hai “ông lớn” khác là Vietinbank (mã CTG), BIDV (BID) vẫn chưa hé lộ mục tiêu kinh doanh năm nay.
Ở khối ngân hàng cổ phần tư nhân, trong buổi chia sẻ với giới đầu tư mới đây, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội - MB (mã MBB) tiết lộ kỳ vọng lợi nhuận 2024 đạt hơn 28.800 tỷ đồng, tức tăng trưởng khoảng 10%, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt mức cao hơn 16% được giao. Con số mục tiêu chính thức sẽ được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên của nhà băng tổ chức tầm giữa tháng 4 tới.
Tương tự, Ngân hàng ACB (mã ACB) lên kế hoạch lợi nhuận năm 2024 đạt 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Trong khi đó, HDBank (mã HDB) và VPBank (mã VPB) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%.
Sacombank (mã STB) chưa chia sẻ kế hoạch năm 2024 nhưng SSI Research dự đoán lợi nhuận ngân hàng này tăng 27%. Eximbank (mã EIB) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hơn 83%, đạt 5.000 tỷ đồng.
Riêng ABBank (mã ABB), tài liệu đại hội cổ đông mới công bố cho thấy, HĐQT ngân hàng này sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2023…
Ở nhóm chứng khoán, Công ty chứng khoán MB (mã MBS) lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 930 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 36% so với mức thực hiện của năm 2023.
Công ty chứng khoán Vietcap (mã VCI) đặt mục tiêu doanh thu hoạt động 2.511 tỷ đồng và lãi trước thuế 700 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 23% so với thực hiện 2023.
Trong khi đó, chia sẻ với báo giới mới đây, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - HSC (mã HCM) cho biết, công ty dự kiến lợi nhuận năm nay vượt 1.300 tỷ đồng.
“Năm 2023, chúng tôi đạt lãi 850 tỷ đồng, vẫn chưa phải là con số xuất sắc. Chúng tôi dự kiến trình đại hội cổ đông mức tăng trưởng khoảng 70%, với hướng không còn thủ như trước mà vừa thủ vừa công, quay trở lại thị trường trái phiếu”, lãnh đạo HSC chia sẻ.
Dự kiến tổ chức đại hội vào đầu tuần tới, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) lên kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản về lượng tiêu thụ sản phẩm. Kịch bản 1 lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ trước đó. Kịch bản 2 lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với thực hiện trong niên độ tài chính 2023.
Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023…
Nhóm bất động sản, hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Vin Group (mã VIC), Novaland (mã NVL), Phát Đạt (mã PDR), Khang Điền (mã KDH), Đất Xanh (mã DXG), Nam Long (mã NLG) chưa thông tin con số chỉ tiêu kinh doanh cụ thể.
Với NLG, lãi ròng năm 2024 của doanh nghiệp này được dự báo sẽ tăng 13% so với năm 2023 lên 549 tỷ đồng, được hỗ trợ bởi doanh số bán hàng chưa ghi nhận lớn vào cuối năm vừa rồi (chủ yếu là lượng bàn giao tại dự án Southgate) và ghi nhận chuyển nhượng cổ phần tại dự án Paragon.
Với mức nền thấp của năm 2023, tình hình triển khai bán hàng có cải thiện, dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2024 của nhóm này sẽ đáng kể…
Thoát tăng trưởng âm, dự báo tăng trưởng hai con số
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường - Công ty chứng khoán VPBankS, thị trường chứng khoán tạo đáy ở năm 2023 và phục hồi năm 2024. Theo đó, những nhóm cổ phiếu tiên phong tăng trưởng là Chứng khoán, thứ hai là Ngân hàng khi nợ xấu đang tạo đỉnh và giảm dần. Ngoài ra, nhóm Vật liệu xây dựng đang trong quá trình phục hồi tốt khi tăng tốc đầu tư công.
“Tuy nhiên, tốc độ phục hồi nhanh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng kinh tế năm nay. Lãi suất có tăng không, tổng cầu kinh tế năm 2023 giảm sâu, năm 2024 có phục hồi nhưng còn chậm vì bản chất tín dụng tăng nhanh cuối năm 2023 nhưng lãi suất cho vay còn cao, doanh nghiệp tiếp cận vổn rẻ chưa đại trà. Yếu tố này nếu tiếp tục tháo gỡ doanh nghiệp sẽ được phục hồi nhanh hơn”, ông Sơn đánh giá.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc phân tích Khách hàng cá nhân - Maybank Investment Bank (MSVN) đánh giá cao ngành Ngân hàng và cho rằng đây vẫn là một ngành có khả năng tăng trưởng tốt trong năm nay. Các mã sẽ thu hút nhà đầu tư trong Ngành này có thể kể đến như TCB, MBB, STB.
Ngoài ra, chuyên gia MSVN còn đánh giá ngành Dầu khí cũng dự kiến đạt kết quả tăng trưởng tốt, đặc biệt doanh nghiệp liên quan khai thác, làm dự án mới như PVS, PVD. Hay các doanh nghiệp cải thiện kinh doanh nhờ mức nền thấp năm ngoái như thuy sản, dệt may, tiêu dùng…
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư – Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, 2024 là năm đầu đánh dấu giai đoạn phục hồi của nền kinh tế, của doanh nghiệp. SSI ước tính lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 tăng khoảng 15-16%, là mức tích cực so với mức giảm 6% của năm ngoái.
“Sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận phân hóa theo các nhóm ngành. Các nhóm đã tạo đáy trước, có biên lợi nhuận năm ngoái thấp sẽ tăng mạnh như vật liệu xây dựng như thép, bán lẻ, xuất khẩu, chứng khoán. Một số ngành có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào bức tranh vĩ mô như bất động sản, ngân hàng”, bà Trang nhận định.
Còn ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao - Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, dựa vào tình hình tài chính thế giới, lạm phát gần như đã đạt đỉnh, Fed sắp hạ lãi suất… nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng sẽ hưởng lợi. Với chi phí vốn thấp đi, doanh nghiệp đẩy mạnh tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn