Ngành cá tra thuận lợi nhưng chưa hết lo

Kết thúc quý III/2024, các doanh nghiệp kinh doanh cá tra đạt doanh thu nghìn tỷ đồng gồm: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Thủy sản Vĩnh Hoàn, mã ck: VHC), Công ty cổ phần Nam Việt (Thủy Sản Nam Việt, mã ck: ANV), Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã ck: ASM) và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (Đa quốc gia IDI, mã ck: IDI), ghi nhận doanh thu từ mức thấp nhất 7,5% của IDI đến cao nhất 22% như ANV hay 21% của VHC.

Dự báo nhiều “cửa sáng” cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam
Cá tra phile đông lạnh là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang các thị trường.

Cụ thể, doanh thu thuần của Thủy sản Nam Việt đạt 1.341 tỷ đồng, tăng 22% (so với cùng kỳ năm trước) và cao nhất trong 5 năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận 1 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm nay, cá tra đóng góp 1,666 tỉ đô la Mỹ cho ngành thuỷ sản, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thủy sản Nam Việt đạt doanh thu thuần 3.550 tỷ đồng, tăng 6,7% và lợi nhuận sau thuế đi ngang 42,5 tỷ đồng.

Còn với Thủy sản Vĩnh Hoàn, trong quý III/2024, công ty thu về 3.277 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 341 tỷ đồng, tăng 70%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 9.329 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế, đạt 870 tỷ đồng, giảm 1%.

Ở chiều ngược lại, Đa quốc gia IDI, trong quý III/2024 ghi nhận mức doanh thu thuần 1.881 tỷ đồng, tăng 7,5%. Tuy nhiện, lợi nhuận sau thuế giảm 24% xuống còn 17,8 tỷ đồng. Kéo theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Đa quốc gia IDI đạt 5.449 tỷ đồng, tuy tăng 2% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 20%, còn 54 tỷ đồng.

Công ty mẹ của IDI - Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu thuần trong quý III/2024 đạt 3.219 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế tăng 7% lên 71 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Sao Mai lại ghi nhận doanh thu 9.146 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng, đồng loạt giảm nhẹ.

Do chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới làm giá cước tàu tăng cao khiến chi phí vận chuyển của các ông lớn ngành cá tra này thời gian qua đã biến động không hề nhỏ.

Theo đó, chi phí vận chuyển của Thủy sản Nam Việt tăng gấp 3 lần cùng kỳ, lên mức 59 tỷ đồng, con số khá lớn so với lợi nhuận.

Vĩnh Hoàn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng với 40 tỷ đồng chi phí vận chuyển tăng thêm trong quý III/2024, trong khi cùng kỳ chỉ 12 tỷ đồng.

Cước tàu vận chuyển quốc tế tăng cũng khiến lợi nhuận Đa quốc gia IDI giảm mặc dù doanh thu tăng nhẹ. Kéo theo đó, lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai (công ty mẹ của IDI) cũng hãm đà tăng, do chi phí vận chuyển lên cao.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi nếu Mỹ áp thuế đồng bộ lên thủy sản?

Theo đánh giá của các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khả năng các mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị áp thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump hiện chưa rõ. Ở quá khứ, Mỹ chưa từng áp thuế đồng bộ lên ngành thủy sản các nước.

Tuy nhiên, nếu Mỹ áp thuế lên ngành thủy sản, mức thuế kỳ vọng không quá cao do giá trị nhập khẩu thủy sản của Mỹ thấp, chỉ đạt trung bình 30,7 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021 - 2023, chiếm 1% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu vào nước này.

Dự báo nhiều “cửa sáng” cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam
Nhiều kỳ vọng với dự báo chính sách thương mại mới của Tổng thống Donald Trump, ngành cá tra Việt Nam nói riêng và thuỷ sản nói chung có cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Trong trường hợp, Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu 60 - 100% lên Trung Quốc và 10 - 20% lên các nước khác như những gì đã tuyên bố trước đây, ngành thuỷ sản có thể có sự phân hoá. Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, ngành cá tra sẽ hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm.

Ngành cá tra dự kiến sẽ chiếm một phần miếng bánh 10% thị phần của cá rô phi tại Mỹ tùy theo khả năng cạnh tranh về giá sau khi thuế nhập khẩu được áp dụng.

Trong 8 tháng đầu năm nay, giá cá tra trung bình đang thấp hơn cá rô phi và cá Minh Thái Alaska lần lượt là 46% và 8%. Trong đó, 85% nguồn cung cá rô phi vào Mỹ là đến từ Trung Quốc, còn cá Minh Thái Alaska đến từ nội địa Mỹ.

Các chuyên gia VDSC dự báo, Thủy sản Vĩnh Hoàn sẽ là doanh nghiệp lợi nhiều nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu từ 60 - 100% lên các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn. Đồng thời, doanh nghiệp này hiện đang xuất khẩu cá tra fillet đông lạnh lớn nhất sang Mỹ, chiếm 47% thị phần.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra niêm yết lớn khác như Thủy sản Nam Việt và Đa Quốc Gia IDI dự báo ít hưởng lợi do thị trường Mỹ chỉ chiếm lần lượt 10% và dưới 5% tổng doanh thu xuất khẩu của hai doanh nghiệp này.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tồn kho cá tra tại Mỹ đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, dự báo sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ bổ sung hàng cho mùa lễ hội cuối năm, trong khi nhu cầu các nước phương Tây có thể giảm do giữa năm đã nhập khá nhiều.

Giá cá tra nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng bù lại cước vận tải và giá thức ăn chăn nuôi cũng đang trong xu hướng thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp.

Ngoài sự hồi phục tại thị trường Mỹ, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá rô phi Trung Quốc (sản phẩm thay thế gần nhất của cá tra) sẽ giúp giá cá tra Việt Nam cạnh tranh hơn trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm - chuyên viên Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với dự báo chính sách thương mại mới của Tổng thống Donald Trump, ngành cá tra Việt Nam nói riêng và thuỷ sản nói chung có cơ hội gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, Mỹ có khả năng áp thuế rất lớn với cá rô phi Trung Quốc, giúp ngành thuỷ sản Việt Nam, trong đó có cá tra tốt hơn trong năm 2025.