Dự báo những gam màu tươi sáng trong bức tranh bất động sản 2025

“Trợ lực” lớn đến từ chính sách

Thị trường bất động sản (BĐS) trong hai năm 2022 - 2023 đã trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, nguồn cung đóng băng, thanh khoản giảm mạnh và những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Các doanh nghiệp không chỉ chịu sức ép tài chính mà còn phải định hướng lại chiến lược để thích nghi.

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Việt Nam là nơi đầu tư rất hấp dẫn. Đối với thị trường BĐS, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến cơ hội mua lại và sáp nhập các tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, kho bãi. Một số nhà đầu tư nước ngoài lớn đã có mặt và hoạt động vững chắc tại đây, nhưng cũng còn rất nhiều nhà đầu tư đang mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua các chính sách tháo gỡ khó khăn. Theo báo cáo mới nhất từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở đã dần được cải thiện nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, ổn định của nền kinh tế vĩ mô đã đóng góp đáng kể vào việc phục hồi thị trường bất động sản. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan, trong đó có bất động sản. Khi nền kinh tế ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố, kéo theo các cơ hội phát triển cho thị trường BĐS.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, thị trường BĐS Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực trong bối cảnh mới. Những yếu tố như vĩ mô thuận lợi, những chính sách mới được ban hành và đi vào thực tiễn là những trợ lực chính, mở ra cơ hội mới cho thị trường BĐS Việt Nam.

Về vĩ mô, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự đoán, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát. Đặc biệt là lãi suất ngân hàng tại Việt Nam duy trì ở mức thấp, tỷ giá cũng trong xu hướng dịu dần. Các yếu tố như thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ... đều trong ngưỡng Quốc hội cho phép, là những yếu tố thuận lợi cho môi trường đầu tư và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, những nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 là những trợ lực quan trọng cho thị trường trong giai đoạn tới. Trong đó, có những nghị định quy định về giá đất; về đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ, bồi thường tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiền sử dụng, tiền thuê đất… Cùng với đó là những nghị định quy định về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; quy định chi tiết về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, những nghị định, thông tư nói trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn thi hành các luật mới. Đưa những chính sách mới vào thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường bất động sản.

Sau "nốt trầm" sẽ tiến tới "nốt thăng"

Dự báo những gam màu tươi sáng trong bức tranh bất động sản 2025
Ảnh minh họa

Tuy phải trải qua giai đoạn khó khăn nhưng thị trường cũng được đón nhận nhiều cơ hội tốt. Những thách thức lại trở thành động lực tạo sự chuyển mình mạnh mẽ cho thị trường BĐS. Năm 2025 được dự báo, thị trường BĐS tập trung vào phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thị trường đã chứng kiến sự quay trở lại của một lượng tương đối lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS, môi giới BĐS. Nguồn cung dần cải thiện, niềm tin nhà đầu tư củng cố, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm mới tốt. Với những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2024, cùng sự hỗ trợ sát sao từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành, thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.

Theo các chuyên gia, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô sẽ đóng góp đáng kể vào việc phục hồi thị trường BĐS. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan, trong đó có BĐS. Khi nền kinh tế ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư cũng được củng cố, kéo theo các cơ hội phát triển cho thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, thị trường vẫn có những hạn chế nhưng vẫn đang trong xu hướng phát triển tốt, thúc đẩy năm 2025 thị trường tiếp tục tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn so với 2024. Đặc biệt, nhiều hướng giải quyết tháo gỡ vấn đề vướng mắc trong hoạt động BĐS đang được đưa ra, tạo ra sự thúc đẩy mạnh hơn cho các dự án và thị trường. Cung tăng lên, giảm áp lực lên cán cân cung - cầu, giá cả theo đó cũng sẽ được điều chỉnh tốt hơn. Đồng thời, Nhà nước cũng đang điều tiết các hoạt động của thị trường một cách có hiệu quả hơn.

Thị trường BĐS phát triển khi khôi phục nguồn cung, tăng trưởng về giá. Tâm lý người mua bắt đầu quan tâm đến nhu cầu đầu tư, không đặt nặng yếu tố giá bán, pháp lý như thời điểm ảm đạm. Từ đầu năm 2026 trở đi, thị trường BĐS có khả năng bước vào giai đoạn ổn định. Thanh khoản gia tăng ở đa dạng loại hình. Tâm lý người mua ưu tiên tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những phân khúc hot nhất, tốc độ tăng giá cao, thu hút sự chú ý./.