Dự báo sẽ có nhiều vụ kiện về bảo hiểm xe trong năm 2025

Năm 2024: 40 bản án, 11 công ty bảo hiểm thua kiện, bồi thường hơn 40 tỷ đồng

Theo thống kê từ website https://congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án Nhân dân Tối cao, số bản án lĩnh vực bảo hiểm năm 2024 không nhiều nhưng khá đa dạng về hình thức vụ việc, ở cả mảng bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm xe cơ giới…

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến hết tháng 11/2024, cả nước có 40 bản án, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm; trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm bị xử thua 36 vụ. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu là hơn 47 tỷ đồng, tổng số tiền công ty bảo hiểm thua kiện phải bồi thường là hơn 40 tỷ đồng.

Cần nhắc lại, con số thống kê kể trên là các vụ tranh chấp được mang ra cấp tòa, khởi kiện và đã có bản án dựa trên thống kê của Toà án Nhân dân Tối cao, được tổng hợp bởi ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, còn số vụ tranh chấp bảo hiểm nói chung trên toàn thị trường thì lớn hơn rất nhiều lần, có thể lên tới hàng nghìn vụ mỗi năm. Trong các vụ kiện này, doanh nghiệp bảo hiểm đều là bị đơn (bị bên mua bảo hiểm kiện).

Xét về số vụ kiện trên toàn thị trường, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI) bị tòa án “gọi tên” nhiều nhất liên quan tới sản phẩm bảo hiểm “PTI Vững Tâm An” do nhà bảo hiểm này từ chối thanh toán quyền lợi điều trị dịch bệnh cho người tham gia bảo hiểm. Trong năm qua, có 26 vụ án liên quan đến việc PTI từ chối thanh toán được đưa ra xét xử và tất cả các vụ kiện người mua bảo hiểm đều thắng. Kết quả, PTI phải chi trả toàn bộ tiền bảo hiểm khoảng 1 tỷ đồng.

Ở khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã chứng khoán AIC - UPCoM) bị đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất tại vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu biển, số tiền yêu cầu chi trả là hơn 12 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Minh đứng thứ hai về số vụ kiện với kết quả thua ở tất cả 3 vụ.

Tại khối nhân thọ, Bảo hiểm Prudential bị khiếu kiện nhiều nhất và vụ kiện đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất năm cũng thuộc về doanh nghiệp này, với mức chi trả cho khách hàng hơn 1,29 tỷ đồng.

Về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), trong năm qua chỉ có 2 vụ khởi kiện liên quan đến người tham gia bảo hiểm khởi kiện Prudential, nhưng cuối cùng Prudential đều thắng kiện do bên mua không có căn cứ chứng minh sai phạm của bên bán bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm cho rằng, họ không muốn tham gia bảo hiểm nhưng bị lừa dối ký hợp đồng, trong khi bên bán bảo hiểm đưa ra bằng chứng trong các thư yêu cầu cấp bảo hiểm đều thể hiện khách hàng đồng ý lấy chữ ký điện tử để giao dịch, ký hợp đồng mua bảo hiểm.

Theo giới luật sư trực tiếp tham gia các vụ tranh chấp này, có nhiều hồ sơ của bên mua bảo hiểm thiếu chứng cứ chứng minh bên bán sai phạm và hầu hết đều không được tổ chức chuyên đi đòi bảo hiểm nhận hỗ trợ bởi khả năng đòi được tiền bồi thường rất thấp, kết quả là các doanh nghiệp bảo hiểm thường thắng.

Sẽ có thêm nhiều vụ tranh chấp về xe, tài sản

Đến ngày 22/11/2024, ước tính thiệt hại do bão Yagi được bảo hiểm lên tới 12.811 tỷ đồng, chủ yếu thuộc nhóm bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm đến 96%).

Dự báo trong năm 2025 sẽ có nhiều vụ kiện phát sinh do xe cơ giới hoạt động trong khu vực bị ngập nước sau bão Yagi, bởi với điều khoản của các doanh nghiệp bảo hiểm, do xe cơ giới hoạt động trong khu vực bị ngập nước chưa quy định rõ ràng, tạo khe hở để các doanh nghiệp từ chối.

Hơn nữa, trong quá trình di chuyển, do hệ thống đường giao thông của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ nên những sự cố đi vào vùng ngập nước là do vô tình, như đi vào khu vực có ổ gà, ổ voi làm xe bị ngập sâu dẫn đến thuỷ kích và không được bồi thường.

Ngoài ra, cũng có những vụ kiện phát sinh do tài sản bị ảnh hưởng sau bão Yagi nhưng có thể sẽ không nhiều, chủ yếu liên quan đến số tiền bồi thường, sau một thời gian thương thảo thì cũng được công ty bảo hiểm chi trả cho bên mua bảo hiểm.

Theo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến ngày 22/11/2024, ước tính thiệt hại do bão Yagi được bảo hiểm lên tới 12.811 tỷ đồng, chủ yếu thuộc nhóm bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm đến 96%). Như vậy, so với tổng số thiệt hại do bão là trên 80.000 tỷ đồng, tổng giá trị thiệt hại được bảo hiểm khoảng 17%. Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng, bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.

Bảo hiểm tài sản được coi là giải pháp giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất tài chính. Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp, tổ chức gặp trở ngại khi yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường, đặc biệt là do những điều khoản loại trừ không rõ ràng, quy trình khai báo phức tạp, hoặc không hiểu rõ về phạm vi bảo hiểm mà mình đã mua.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, nhiều hợp đồng bảo hiểm quy định loại trừ đối với các sự cố như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ sông, hồ hoặc đập…, đã khiến bên mua bảo hiểm là doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn khi thiệt hại phát sinh từ những yếu tố này nhưng lại không thể yêu cầu bồi thường.

Bên mua bảo hiểm thậm chí còn không hiểu rõ các điều khoản loại trừ này trước khi ký hợp đồng. Chưa kể, khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức còn không mua bảo hiểm toàn diện, phạm vi bảo hiểm không đủ rộng, chỉ mua bảo hiểm cho những rủi ro như cháy nổ, nhưng lại bỏ qua các nguy cơ thiên tai như giông bão hay lũ lụt. Khi những sự cố này xảy ra, bên mua bảo hiểm đã không thể yêu cầu bồi thường vì những rủi ro này không nằm trong phạm vi bảo hiểm đã ký kết.

Ngoài ra, theo các văn phòng luật sư, một nguyên nhân khác khiến công ty bảo hiểm từ chối bồi thường là do bên mua bảo hiểm là khách hàng doanh nghiệp đã không tuân thủ quy trình khai báo sự cố kịp thời và không chuẩn bị đủ tài liệu chứng minh thiệt hại.

Để tránh tình trạng này, theo ông Tú, các khách hàng doanh nghiệp cần tuân thủ quy trình khai báo của công ty bảo hiểm và cung cấp đủ bằng chứng như hình ảnh, video, hóa đơn sửa chữa, hoặc báo cáo giám định độc lập.

Đặc biệt, trước khi đặt bút ký tham gia bất kỳ một hợp đồng bảo hiểm nào, những người mua bảo hiểm phải tìm hiểu thật kỹ các quyền lợi được hưởng, các điều khoản loại trừ, cách thức hạn chế rủi ro để không bị rơi vào trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm từ chối khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Song song đó, bên bán bảo hiểm là các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của tư vấn viên, những người trực tiếp tư vấn cho khách hàng.

Theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt vào đầu năm 2024, năm nay, Thanh tra Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ thực hiện 20 cuộc thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm: Mirae Asset Prévoir, Cathay Việt Nam; thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm: Pjico, Samsung Vina, Bảo hiểm Hàng Không (VNI), Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC). Nội dung thanh tra là việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, công tác bồi thường bảo hiểm, hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng và tài chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài…

Đồng thời, thực hiện 14 cuộc kiểm tra, gồm 8 doanh nghiệp phi nhân thọ là: PTI, MIC, BSH, PVI, Xuân Thành, Bảo Việt, BIC, Bảo Minh; kiểm tra tại 2 doanh nghiệp nhân thọ là Hanwha Life Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam. Nội dung kiểm tra liên quan đến việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, công tác bồi thường bảo hiểm và công tác quản lý vốn, tài sản, doanh thu tại doanh nghiệp…

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn