Dự cảm về chứng khoán tháng 8

Một số tín hiệu tích cực

Từ đầu năm 2024 tới nay, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi hoạt động bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài, trong đó Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock giải thể Quỹ Ishare ETF để thoái vốn khỏi Việt Nam và động thái tương tự tại một số quỹ ngoại từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Theo đó, dù dòng tiền của nhà đầu tư trong nước tham gia mạnh mẽ, nhưng VN-Index vẫn không thể bứt lên trên ngưỡng 1.300 điểm. Sau nhiều nỗ lực bất thành, thị trường hình thành ngưỡng cản tâm lý ngắn hạn và chỉ số chung đã có các nhịp điều chỉnh trong tháng 4, tháng 6 và tháng 7.

Thanh khoản và điểm số cùng suy giảm nhưng luôn có lực cầu xuất hiện tại các mốc hỗ trợ, giúp VN-Index duy trì biên độ và củng cố xu hướng tăng trung hạn. Riêng tuần cuối tháng 7/2024, khi các doanh nghiệp lớn công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả kinh doanh khả quan, thị trường chứng khoán có sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ và khối ngoại đã có tuần mua ròng trở lại đầu tiên kể từ tháng 3/2024, tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, trong khi bán ra cổ phiếu vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, so với tháng 7, thị trường sẽ có chuyển động tích cực hơn trong tháng 8, nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh quý II/2024 khả quan dần thẩm thấu và các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước hỗ trợ như: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới; chỉ số đồng USD giảm dần sức mạnh, áp lực tỷ giá hạ nhiệt và khối ngoại được kỳ vọng quay lại mua ròng; kinh tế trong nước có những tín hiệu tích cực hơn, lợi nhuận các doanh nghiệp có triển vọng duy trì đà tăng trưởng.

Ngoài ra, chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng so với lợi tức trái phiếu chính phủ đang tiếp tục đà thu hẹp, chủ yếu do mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm (khoảng 1%).

Đặc biệt, sự phục hồi của các doanh nghiệp đang diễn ra trên diện rộng, thể hiện rõ nét ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính như bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ du lịch, giải trí, hàng và dịch vụ công nghiệp, tài nguyên cơ bản…

Cơ hội tích lũy cổ phiếu

Nhịp điều chỉnh gần nhất của VN-Index không mạnh, nhưng mặt bằng định giá của nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn, trong bối cảnh bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2024 có mảng sáng lớn là lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tích cực.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành, Công ty Chứng khoán VPBank nhận định, tháng 8 có thể là giai đoạn phù hợp để tích lũy cổ phiếu và cơ cấu danh mục đầu tư. Trong những tháng còn lại của năm 2024, thị trường có thể phân hóa mạnh hơn và xuất hiện nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hơn.

Ngành tài chính nhiều khả năng tiếp tục là trụ cột quan trọng cho thị trường, trong đó phải kể đến nhóm ngân hàng, thích hợp đầu tư dài hạn. Đây là nhóm duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận, với định giá P/B hiện tại hơn 1,5 lần. Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán với ngành dịch vụ tài chính đang có mức P/B 1,5 lần và P/E khoảng 16 lần, hấp dẫn so với lịch sử giao dịch 5 năm qua.

Nói về cơ hội trong các tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng, nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhóm cổ phiếu có sự phục hồi về kết quả kinh doanh trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may…), bán lẻ. Đối với nhóm xuất khẩu, các thị trường có những tín hiệu khả quan như sức cầu và đơn hàng cải thiện sẽ mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Về nhóm bán lẻ, lợi nhuận có sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay, có thể duy trì đà tăng trong nửa cuối năm nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế giá trị gia tăng, hay tăng tiền lương cơ bản. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu có định giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận như ngân hàng cũng là lựa chọn phù hợp, động lực tăng giá cho cổ phiếu “vua” sẽ đến từ nhu cầu tín dụng dần tăng lên.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn