Đủ căn cứ để quyết định đầu tư 'siêu dự án' cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại TP. HCM
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã gửi Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT đến Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (cảng Cần Giờ).
Dự án này do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (tên cũ Vinalines - HoSE: MVN) và Terminal Investment Limited Holding S.A - TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư. Hồ sơ được gửi đến Bộ KH&ĐT từ tháng 4/2023, sau đó được thẩm định bởi 10 bộ, ngành và UBND TP. HCM.
Phối cảnh "siêu dự án" cảng Cần Giờ |
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, Bộ KH&ĐT khẳng định đã có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho dự án.
"Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn khi được triển khai thành công, sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng biển hiện hữu; tương hỗ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4, trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế; khẳng định vị thế và định vị quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò là trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới" - Bộ KH&ĐT đánh giá.
Trước đó, UBND TP. HCM cũng kiến nghị Thủ tướng sớm thông qua Đề án nghiên cứu xây dựng và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng Cần Giờ để thành phố có cơ sở triển khai thực hiện.
"Siêu dự án" hơn 50.000 tỷ đồng
Cảng Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Phú Lợi, nằm ở cửa sông Cái Mép (thuộc huyện Cần Giờ, TP. HCM). Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận và hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Từ vị trí dự án, có thể kết nối Biển Đông dễ dàng theo luồng Vũng Tàu - Thị Vải.
Vị trí dự án cảng Cần Giờ |
Theo quy hoạch, dự án cảng Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2km với quy mô 6,8km bến tàu mẹ, 1,9km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha; trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha.
Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs. Khoảng cách tuyến bến - biên luồng từ 340 - 393m. Công suất tối đa của cảng Cần Giờ là 16,9 triệu TEUs. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.
Liên danh Cảng Sài Gòn - TIL đề xuất tổng mức đầu tư là 113.531,7 tỷ đồng. Đối với đề xuất này, Bộ KH&ĐT thấy rằng, việc xác định tổng vốn đầu tư phụ thuộc vào quy mô của Dự án tại Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mà UBND TP. HCM đang trình Thủ tướng và đề xuất của nhà đầu tư đăng ký khi tham gia quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng phê duyệt vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia không dưới 15% tổng vốn đầu tư. Thời hạn hoạt động không quá 50 năm và nhà đầu tư phải giải ngân vốn trong 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn