Dự kiến hưởng lợi từ quỹ đất vàng, cổ phiếu "ông trùm" đất KCN bất ngờ tăng vọt, vốn hóa vượt ngưỡng 143.000 tỷ đồng
Đóng cửa phiên 26/6, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng kịch trần lên mức 35.950 đồng/cp. Giao dịch trên cổ phiếu này cũng sôi động với thanh khoản tăng đột biến lên hơn 10 triệu đơn vị, gấp nhiều lần khối lượng bình quân gần đây và là mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gần 72% giá trị, áp sát đỉnh cao nhất trong vòng 3 năm qua. Giá trị vốn hoá thị trường tương ứng tăng thêm hơn 60.000 tỷ đồng từ đầu năm, đạt xấp xỉ 144.000 tỷ đồng (tương đương 5,6 tỷ USD).
Mới đây nhất, doanh nghiệp đã thông qua loạt thay đổi về nhân sự. Cụ thể, GVR miễn miện ba Thành viên HĐQT và một Kiểm soát viên nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời bầu bổ sung ông Đỗ Hữu Phước giữ vị trí Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Đồng Phong – Thành viên độc lập HĐQT và ông Phạm Văn Hỏi Em – Kiểm soát viên.
Trong năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 4.104 tỷ đồng và 3.437 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 2,2% và 0,9% so với năm 2023.
Khép lại quý 1/2024, doanh thu thuần của GVR đạt 4.590 tỷ đồng (+11% so với cùng kỳ). Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh thu của GVR là mảng kinh doanh cốt lõi – mủ cao su tự nhiên - với doanh thu tăng 16% đạt 3.391 tỷ. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 18% mức doanh thu kế hoạch năm sau 3 tháng.
Tiềm năng từ quỹ đất cao su chuyển đổi lớn
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoạt động trên 4 lĩnh vực chính (1) Sản xuất và kinh doanh mủ cao su, 2) Sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ cao su như lốp xe, (3) Hoạt động chế biến gỗ, (4) Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. GVR đang quản lý gần gần 400 nghìn hecta đất trồng cây cao su cả trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, GVR đang trong quá trình tái cấu trúc và hướng trọng tâm phát triển vào mảng kinh doanh khu công nghiệp nhờ vào quỹ đất dồi dào tập đoàn nắm giữ.
Theo chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp giai đoạn 2021-2030, GVR có kế hoạch lập mới và mở rộng hơn 39 nghìn hecta từ chuyển đổi đất trồng cây cao su, bao gồm 48 khu công nghiệp (gần 37,4 nghìn ha) và 28 cụm công nghiệp (gần 1.800ha). Các dự án mới như mở rộng KCN Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III,... đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư.
Chứng khoán KBSV đánh giá GVR nhiều tiềm năng từ quỹ đất cao su chuyển đổi lớn. Từ cuối 2023 đến nay, 3 tỉnh GVR sở hữu quỹ đất cao su lớn Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh với tổng diện tích chuyển đổi lên đến gần 25.000 ha. Ngoài ra, Bình Dương và Đồng Nai cũng đang chờ được thông qua quy hoạch kỳ cuối.
Nhờ đó, KBSV kỳ vọng tốc độ chuyển đổi đất và triển khai các dự án KCN của GVR sẽ được đẩy nhanh hơn trước. Quỹ đất cao su lớn này khi được tiến hành chuyển đổi thành KCN, CCN và cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo dòng tiền từ bồi thường, cũng như cho thuê KCN cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Chứng khoán KBSV nhận định việc Nam Tân Uyên 3 – KCN nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bình Dương – được giao đất vào cuối tháng 5 vừa qua đã tạo dư địa tăng trưởng trong ngắn và trung hạn cho GVR, dự kiến đóng góp vào KQKD của GVR từ 2024.
KBSV dự kiến NTU 3 có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2024. Theo ước tính sơ bộ của Nam Tân Uyên, dự án Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ/năm đến 2027 – 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến từ năm 2024.
Bên cạnh đó, các KCN Rạch Bắp GĐ2, Bắc Đồng Phú MR và Nam Đồng Phú MR kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của GVR từ 2026 với tốc độ lấp đấy tương đối nhanh do cung đất KCN vẫn đang ởmức thấp, tỷ lệ hấp thụ đất KCN ở phía Nam vẫn luôn duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, giá cao su trung bình tháng 6 của GVR đã đạt mức 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn so với giá cao su trung bình của GVR năm 2023. Đội ngũ phân tích kỳ vọng giá cao su vẫn neo ở mức cao từ nay đến cuối năm do sự thiếu hụt nguồn cung đến từ sản lượng sụt giảm tại Thái Lan và Indonesia, trong khi nhu cầu về cao su tự nhiên dùng để sản xuất săm lốp xe vẫn ở mức ổn định nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và săm lốp xe, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.
Xem thêm tại cafef.vn