Dự kiến khởi công cầu Tứ Liên vào quý III/2025
Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính (Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội) Phan Trường Thành cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cầu vượt cầu sông Hồng quan trọng, trong đó có cầu Tứ Liên để giảm tải cho các cầu hiện nay.
Địa điểm xây dựng sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, kết nối từ đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Cầu có tổng chiều dài khoảng 11,5 km; trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km; cầu chính dài 1 km với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.
Điểm đầu cầu Tứ Liên giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5, tổng chiều dài 4,8 km với 5 nút giao gồm: Nghi Tàm, Hữu Hồng, bãi giữa, Tả Hồng và nút giao quốc lộ 5 kéo dài.
Cầu có kiến trúc dây văng kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung thép nhẹ, hai trụ cầu chính được tạo hình. Cầu Tứ Liên nối 2 bờ tả hữu, tạo điều kiện phát triển khu vực thành phố phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch mới của Thủ đô.
Bên cạnh đó, đoạn đường dẫn đầu cầu Tứ Liên sẽ nối thẳng đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và chạm đến Vành đai 3 phía Bắc.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu trong tháng 01/2025, Sở KH&ĐT phải thẩm định để trình HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư cho dự án này làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đặc biệt, từ ngày 01/01/2025, theo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự án cầu này sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND TP. Hà Nội. Do đó, ngành GTVT Thủ đô kỳ vọng dự án cầu Tứ Liên sẽ được thông qua chủ trương đầu tư trong quý I/2025, phê duyệt phương án và lựa chọn đơn vị thực hiện vào quý II/2025; dự kiến quý III/2025 sẽ khởi công.
Đồng thời, theo ông Thành, nếu dự án này được phê duyệt với tiến độ như trên thì cần khoảng 2 - 3 năm để triển khai dự án do đây đều là những cây cầu có quy mô lớn, đòi hỏi thời gian thi công dài. Định hướng ban đầu sẽ đầu tư cầu này theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng đến nay được xác định lại sẽ sử dụng vốn đầu tư công.
Hà Nội cũng định hướng nguồn vốn đầu tư cho cầu Tứ Liên sẽ sử dụng 100% vốn ngân sách thành phố.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn được giao làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup thống nhất phương án xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai. Đây là hai đơn vị đã đề xuất tham gia dự án cầu Tứ Liên.
Khi gửi đề xuất lên UBND Thành phố Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên, Vingroup cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ và chất lượng, xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của Thủ đô.
Còn Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) được coi là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới trong ngành công trình và xây dựng. Trong năm 2023, Tập đoàn Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 79,5 tỷ USD và có lợi nhuận xấp xỉ 5,2 tỷ USD.
Trong lĩnh vực giao thông, tập đoàn này được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác.
Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn