Dư nợ vay của FPT giảm 26% sau một quý, thu về hơn 1.600 tỷ lãi tiền gửi năm 2023
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP FPT (Mã: FPT), quy mô tài sản tính tới hết năm 2023 của tập đoàn đạt 60.325 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của FPT là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với giá trị 24.403 tỷ đồng, giảm 2.367 tỷ đồng so với cuối quý III - cũng là thời điểm ghi nhận mốc cao kỷ lục của doanh nghiệp.
Với lượng tiền gửi dồi dào, năm qua, tập đoàn đã thu về 1.648 tỷ đồng lãi tiền gửi, cao hơn 22% so với năm 2022.
Dù nắm giữ lượng tiền gửi dồi dào top đầu trên sàn chứng khoán nhưng FPT vẫn vẫn vay nợ nhằm tối ưu lợi nhuận khi áp dụng nghiệp vụ đem gửi ngân hàng với lãi suất cao và đi vay với lãi suất thấp.
Tại ngày 31/12/2023, FPT có tổng dư nợ vay 14.046 tỷ đồng, giảm 26% sau một quý và chủ yếu là vay ngắn hạn với 13.838 tỷ.
FPT vay khoảng 10.388 tỷ bằng VND, 2.231 tỷ bằng đồng yen Nhật và 1.426 tỷ bằng USD. Trong đó, khoản vay bằng USD ghi nhận giảm tới 82% sau một quý là nguyên nhân khiến tổng dư nợ vay giảm sâu so với cuối quý III/2023.
Việc vay nợ bằng ngoại tệ cũng tạo rủi ro tỷ giá với FPT. Tập cũng phòng ngừa rủi ro rỷ giá bằng cách sử dụng các giao dịch hoán đổi ngoại tệ và mua ngoại tệ trong tương lai.
Ngoài ra, tập đoàn cũng có nguồn thu ngoại từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ bằng USD và JPY. Năm 2023, FPT thu hơn 414 triệu USD (khoảng 10.190 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và 52,47 tỷ yen (khoảng 7.750 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Năm 2023, FPT ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá gần 374 tỷ và lỗ chênh lệch tỷ giá 373 tỷ nên không phát sinh khoản lỗ từ tỷ giá luỹ kế cả năm.
Trong năm, tập đoàn đi vay tổng cộng 34.217 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 32.532 tỷ.
Tổng chi phí lãi vay 4 quý của FPT là 833 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ 2022. Song khoản lãi vay này chỉ bằng gần một nửa khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp, tức tập đoàn lãi ròng từ nghiệp vụ tài chính này khoảng 815 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn