Đua livestream bán hàng Tết

Càng sát Tết, các phiên livestream bán hàng trực tuyến càng xuất hiện dày đặc trên nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok...

Thử nghiệm mới

Cơ sở nem Bà Chín (TP Thủ Đức, TP HCM) - thương hiệu có truyền thống hơn 50 năm - đã lần đầu bán hàng qua livestream nhờ các nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) tại "Ngày hội mua sắm Tết TP HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến" vừa diễn ra. Ông Lê Nguyên Hùng, chủ cơ sở, cho biết mặc dù có nhiều mặt hàng như nem chua, nem nướng, chả lụa, chả giò nhưng chỉ thử nghiệm bán nem chua trên TikTok Shop do dễ bảo quản. Tuy chưa có số liệu cụ thể về đơn hàng song ông Hùng rất mừng khi tiếp cận được nhóm khách hàng mới và hy vọng sẽ trở thành khách hàng trung thành.

Theo "trend" (xu hướng) bán hàng qua livestream, nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm... tại Trung tâm Thương mại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP HCM) cũng nhận được sự tương tác, phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng và đón thêm nhiều lượt khách đến tận cửa hàng tham quan, mua sắm.

Đua livestream bán hàng Tết - Ảnh 1.

Livestream bán hoa, cây cảnh Tết ở Công viên bờ sông Sài Gòn Ảnh: NGỌC ÁNH

Một số siêu thị lớn như Co.opmart, Big C & GO! cũng lập kế hoạch và tổ chức livestream bán hàng Tết bên cạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết Saigon Co.op đã tổ chức 8 phiên livestream giới thiệu khoảng 5.000 mã hàng Tết. Đồng thời, tăng trải nghiệm cho khách hàng thông qua tương tác trực tiếp, hướng dẫn nấu ăn, chia sẻ mẹo hay ngày Tết...

Saigon Co.op cũng chính thức bán hàng trên TikTok từ ngày 25-1 nhằm đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm cho người tiêu dùng, đặc biệt là tệp khách hàng gen Z (từ 20 tuổi trở xuống). Công nghệ livestream bằng "người ảo" (AI - trí tuệ nhân tạo) cũng được hệ thống này thử nghiệm trung bình 10 - 12 giờ/ngày đến hết ngày 5-2, sau đó đánh giá để triển khai đại trà.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách E2E (giải trí và livestream bán hàng) Công ty CP Tập đoàn Kido, thông tin đã có gần 50 đơn vị tham gia, đồng hành với hoạt động bán hàng trực tuyến trên TikTok Shop của công ty.

Cẩn thận "dao hai lưỡi"

Theo các doanh nghiệp (DN), một trong những trở ngại nhất khi tổ chức livestream bán hàng trên mạng xã hội là phí vận chuyển. Ông Lê Nguyên Hùng cho biết sản phẩm nem Bà Chín bán trực tiếp tại sự kiện có giá 40.000 đồng/hộp nhưng giá bán qua livestream là 99.000 đồng/2 hộp do phải cộng thêm chi phí vận chuyển. Sau lần thử nghiệm livestream này, cơ sở vẫn tập trung bán hàng Tết qua kênh truyền thống và Zalo, Facebook.

Tương tự, ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (Vietpipa), cho biết sau khi tìm hiểu kỹ về các sàn thương mại điện tử, tính toán giá cả, chi phí, chiết khấu... thì quyết định chỉ thỉnh thoảng livestream chia sẻ về sản phẩm; còn lại vẫn tập trung sản xuất, bán hàng cho đại lý lớn. "Chiến lược marketing, bán hàng sao cho hiệu quả sẽ do những nhà bán hàng chuyên nghiệp đảm trách, chỉ có như vậy mới tối ưu hóa hiệu quả hoạt động" - ông Tiến đúc kết.

Bà Hoàng Thị Tú Anh, đại diện Công ty TNHH Hoàng Lam - chuyên về cây cảnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cũng cho hay mặc dù rất hào hứng tiếp cận hình thức kinh doanh mới là bán hàng qua livestream song gặp một số khó khăn về đóng gói và phí vận chuyển. "Giá vận chuyển trong một số trường hợp còn cao hơn giá sản phẩm nên chúng tôi chỉ bán thử nghiệm sản phẩm kích thước nhỏ như cúc mâm xôi, kim ngân lượng, mai vạn phúc..." - bà Tú Anh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê trái cây Meet More), nêu thực tế DN phải liên tục chạy quảng cáo trên các phiên bán hàng trực tiếp để thu hút khách quyết định chốt đơn. Do vậy, nếu không tính toán kỹ, DN sẽ bán được nhiều hàng nhưng không có lợi nhuận, thậm chí lỗ chi phí. Quan trọng hơn, khi dung lượng thị trường chung không tăng thì livestream bán hàng càng phát triển sẽ càng khiến các kênh bán hàng khác sụt giảm doanh thu.

Theo ThS Đỗ Quang Huy, chuyên gia về thương mại điện tử, người mua hàng thường chỉ xem livestream để giải trí nhưng khi thấy giới thiệu sản phẩm hấp dẫn kèm khuyến mãi từ nhãn hàng và sàn thì quyết định mua. Do đó, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương rất khó chạy theo hình thức kinh doanh này vì không có nguồn lực. "Hình thức livestream phù hợp với nhãn hàng lớn, đặc biệt là nhà sản xuất với nguồn lực mạnh. Thông qua livestream, nhà sản xuất tiết giảm được chi phí khâu trung gian nên có giá rẻ cho người tiêu dùng, hữu ích trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu" - ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, quan sát thị trường Tết năm nay cho thấy có nhiều nhãn hàng thực phẩm, bánh kẹo tung rất nhiều khuyến mãi cho các phiên livestream và thu hút được người tiêu dùng bởi giá bán rẻ hơn so với các kênh truyền thống. Tuy nhiên, với các nhãn hàng, livestream chủ yếu là hình thức quảng bá thương hiệu, không phải kinh doanh đơn thuần. Vì vậy, nhà bán thường lựa chọn mặt hàng có biên độ lợi nhuận cao để vẫn có lời sau khi khuyến mãi, giảm giá. Thậm chí, chỉ bán độc quyền trên livestream để người tiêu dùng không có cơ hội so sánh giá. 

Công cụ bán hàng của tương lai

Về việc nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh sau khi được hỗ trợ bán hàng qua TikTok Shop thì không duy trì hình thức livestream, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho rằng các chương trình này mới là điểm bắt đầu. Sắp tới, nền tảng sẽ triển khai nhiều chương trình dài hạn hướng tới nâng cao kỹ năng số cho tiểu thương, phù hợp với thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng.

Về phía Công ty CP Tập đoàn Kido, ông Trần Quốc Bảo cho rằng livestream bán hàng là công cụ marketing và bán hàng hiệu quả trong tương lai. Hệ sinh thái bán hàng của DN này đã thay đổi rõ rệt khi có kênh bán qua livestream.


Xem thêm tại cafef.vn