Đức Long Gia Lai có thể thoát án hủy niêm yết?

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) là một trong những doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016 - 2018 với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm. 

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh xuống dốc từ năm 2020 khi khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ăn mòn lợi nhuận. Điều này khiến công ty thường xuyên bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và bị HOSE đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát. Công ty đã có hai năm liên tiếp 2022 và 2023 thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, cả năm vừa rồi, công ty đã có lãi ròng trở lại với 211 tỷ đồng, khi trong khi năm trước đó lỗ hơn 594 tỷ đồng.

Tuy nhiên đây mới là con số chưa được kiểm toán. Tuy nhiên, nếu trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của công ty tiếp tục có ý kiến ngoại trừ, DLG sẽ đứng trước nguy cơ hủy niêm yết.

Trong năm 2024, doanh thu thuần của DLG đạt 1.032 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước đó với nguồn thu chính đến từ dịch cụ trạm thu phí BOT.

Trừ đi giá vốn, công ty có lãi gộp gần 299 tỷ đồng, tăng 34%. Trong năm, công ty có thêm doanh thu từ hoạt động tài chính 309 tỷ đồng và tiết giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 45% về 363 tỷ), đồng thời chi phí tài chính cũng được giảm 22%. Dù vậy, công ty vẫn lỗ thuần gần 37 tỷ.

Nhờ xuất hiện thêm khoản thu nhập khác 317 tỷ đồng (do công ty mẹ tất toán nợ gốc và ngân hàng miễn giảm lãi vay) đã giúp DLG thoát lỗ năm 2024. Song, công ty vẫn còn khoản lỗ lũy lế hơn 2.453 tỷ đồng tính đến hết quý IV/2024.

Như vậy, DLG đã vượt 108% mục tiêu lợi nhuận năm và thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu.

 Nguồn: BCTC quý IV/2024.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC.

Tính đến hết năm ngoái, tổng tài sản của DLG giảm 14% so với đầu năm về 4.348 tỷ đồng. Trong đó, ngoài khoản tài sản cố định, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.610 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi đầu năm (riêng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới hơn 1.829 tỷ đồng).

Tổng dư nợ tài chính tính đến cuối tháng 12 gần 2.300 tỷ đồng, giảm 18% sau một năm. Trong đó công ty đã tất toán các khoản nợ tại Sacombank và trả một phần tại BIDV và VietinBank.

Nói thêm, cuối tháng 12/2024, DLG công bố đã chuyển nhượng thành công toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited cho CTCP Tập đoàn Alpha Seven (trụ sở chính tại TP Thủ Đức) với trị giá 255 tỷ đồng.

Mass Noble có trụ sở tại Road Town, quần đảo Virgin Islands thuộc Anh. Ngành nghề chính là sản xuất linh kiện điện tử, đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 50.000 m2, nằm tại trung tâm TP Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Công ty này chuyên sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như: các loại đèn led cao cấp, màn hình LCD, thiết bị smarthome, đặc biệt là sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho phái nữ, thiết bị âm thanh… thị trường tiêu thụ chủ yếu tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…

DLG cho biết mục đích của việc chuyển nhượng này nằm trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của công ty, thông qua hình thức chuyển nhượng các dự án, tài sản không hiệu quả, nhằm giảm chi phí tài chính doanh nghiệp. Toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng này được dùng để tất toán nợ tại Ngân hàng Sacombank và trả một phần tại Ngân hàng BIDV. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn