Đức Long Gia Lai (DLG) thoát ‘án’ phá sản

Toà án không mở thủ tục phá sản lần 2 đối với Đức Long Gia Lai
Ảnh minh họa

Ngày 6/8/2024, ông Đặng Chí Công, Tổ trưởng Tổ Thẩm phán Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ký quyết định số 01 về việc không mở thủ tục phá sản đối với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG).

Theo quyết định này, Tổ Thẩm phán thấy rằng, sau khi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định mở thủ tục phá sản số 01 (tháng 10/2023) của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Đức Long Gia Lai tiếp tục chuyển trả nợ cho CTCP Lilama 45.3 (UPCoM: L43) thêm 2 tỷ đồng, trong đó gần nhất là ngày 27/6/2024 chuyển trả 350 triệu đồng. Tổng cộng đến nay, Đức Long Gia Lai đã trả cho Lilama 45.3 số tiền là 6 tỷ đồng, còn nợ lại 11,4 tỷ đồng và cam kết trả nợ theo lộ trình cụ thể.

Theo Tòa án, Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, đang hoạt động kinh doanh bình thường và có nhiều công nhân lao động.

Theo Báo cáo tài chính năm 2021, 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 thì kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có lợi nhuận.

Như vậy, DLG không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định Luật phá sản, bởi công ty tuy có các khoản nợ cụ thể đến hạn thanh toán nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vòng 3 tháng cho Lilama 45.3.

Bởi các lẽ trên, Tòa quyết định không chấp nhận yêu cầu lần 2 mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3 đối với DLG, đồng thời, L43 phải chịu tiền lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khi Lilama 45.3 kiện lần 2 và Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý, Đức Long Gia Lai đã phản ứng "mạnh" khi gửi đơn khiếu nại yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đình chỉ hoặc thu hồi Thông báo thụ lý, trả lại đơn cho Lilama 45.3. “Trong trường hợp TAND Gia Lai không đình chỉ hoặc thu hồi Thông báo thụ lý thì Đức Long Gia Lai sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo, phù hợp với quy định pháp luật để bảo vệ uy tín và quyền lợi của doanh nghiệp”, thông báo báo chí Đức Long Gia Lai nêu rõ như vậy.

Công ty cũng cho rằng việc Tòa thụ lý đơn kiện là “chưa cân nhắc, xác minh cụ thể việc trả nợ từ phía Đức Long Gia Lai có quá hạn trả nợ 3 tháng để xác định doanh nghiệp có mất khả năng thanh toán theo quy định của Luật Phá sản hay không? Là đã làm trái với các quy định của Luật Phá sản tại Khoản 1 Điều 4 về các trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán; Điều 6 về tính chính xác của thông báo; Điều 9 về trách nhiệm của Thẩm phán phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan trước khi thụ lý đơn và điểm a khoản 1 Điều 35 về việc trả lại đơn trong trường hợp người nộp đơn không đúng theo quy định”.

Còn với Lilama 45.3, Đức Long Gia Lai cho rằng “ Việc Lilama 45.3 hết lần này đến lần khác gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty chúng tôi nhằm mục đích phá rối, tạo áp lực, gây mất uy tín của công ty, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm - đời sống của người lao động và nộp ngân sách cho nhà nước, nhằm buộc công ty chúng tôi phải thanh toán nợ theo yêu cầu vô lý …”.

Không chỉ dừng ở những phản ứng trên, mới đây Đức Long Gia Lai cũng làm đơn khởi kiện Lilama 45.3 ra Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi yêu cầu buộc doanh nghiệp này bồi thường về kinh tế, thương hiệu, uy tín và chấm dứt việc gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn