Đứng trên ‘đôi chân đất sét’, HBC có thể tăng trưởng năm 2025?

Lợi nhuận lập đỉnh 8 năm, nhưng…

Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2024, có thể thấy HBC đã có sự thay đổi vượt trội. Theo đó, với lợi nhuận gộp 302 tỷ đồng, tăng 24%, biên lợi nhuận gộp đạt 4,74%, tăng tới 1,51 điểm % so với năm trước. Đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp tương đối cao trong ngành xây dựng. Điều này phản ánh việc HBC đã bắt đầu vượt qua những rào cản kỹ thuật và tâm lý khi dự thầu để nhận được những dự án có giá trị tốt hơn, quy mô lớn hơn, phát huy được thế mạnh của tập đoàn, thay vì những công trình nhỏ không có hiệu quả tốt.

Điểm sáng khác là HBC đã tiết giảm được các loại chi phí, như: phí tài chính giảm 27%, chi chí bán hàng giảm 6%.

Kết hợp với việc thu hồi công nợ một cách hiệu quả (ghi âm chi phí quản lý nhờ hoàn nhập dự phòng cao), thoái các khoản đầu tư (tạo nên doanh thu tài chính 221 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần) và thanh lý tài sản (tạo lợi nhuận khác 604 tỷ đồng), HBC có lãi sau thuế 851 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với khoản lỗ 1.115 tỷ đồng của năm trước. Đây là mức lãi sau thuế cao thứ hai trong lịch sử doanh nghiệp này, chỉ sau năm 2017. Kết quả này giúp lỗ luỹ kế giảm còn 2.412 tỷ đồng, tương đương giảm 25% so với đầu năm.

Dẫu vậy, niềm vui của HBC không được trọn vẹn bởi ba nguyên do. Một là doanh thu 2024 rất thấp, chỉ 6.374 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Đây là doanh thu thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây của công ty (kể từ sau năm 2015).

Hai là lợi nhuận năm 2024 chủ yếu đến từ việc bán vốn, bán tài sản và hoàn nhập dự phòng. Đây là những nguồn thu nhập có tính đột biến, không bền vững, đồng nghĩa với việc “kì tích” tăng trưởng sẽ khó lòng lặp lại.

Ba là “điềm xấu” đã xuất hiện. Từ quý III, lợi nhuận sau thuế của HBC đã đi xuống so với các quý trước, chỉ đạt 12 tỷ đồng, do không còn ghi nhận doanh thu tài chính hay bán tài sản. Thậm chí, HBC đã phải dựa vào hoàn nhập dự phòng mới có thể thoát lỗ.

Đến quý IV, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi công ty lỗ thuần 13 tỷ đồng và phải dựa vào thu nhập từ bán tài sản để có lãi sau thuế 9 tỷ đồng. Ở quý IV, HBC đã không còn hoàn nhập dự phòng nữa, mà đã phải trích lập dự phòng 26 tỷ đồng, cho thấy công tác thu hồi nợ bị chững lại.

Như vậy, quý III và IV phản ánh rất rõ thực trạng của HBC: hết động lực lãi từ các hoạt động tài chính và bán tài sản, hoàn nhập dự phòng cũng ít, hoạt động kinh doanh không đủ sức tạo ra lợi nhuận. Điều này là rất đáng lo ngại cho HBC khi bước vào năm 2025.

Chất lượng tài sản vẫn ở mức xấu

Bên cạnh những vấn đề về kinh doanh, chất lượng tài sản của HBC cũng chưa thể cải thiện đột phá. Công bằng mà nói, so với năm trước, HBC đã thay đổi mạnh mẽ về chất lượng tài sản, mà biểu hiện rõ nét nhất là vốn chủ sở hữu đã tăng 18 lần so với đầu năm, lên 1.657 tỷ đồng nhờ lợi nhuận kinh doanh và phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ. Nhờ vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 162 lần xuống chỉ còn 8,19 lần.

Ngoài ra, nợ vay của cũng đã giảm 9% xuống 4.270 tỷ đồng, là căn nguyên để HBC giảm được 27% chi phí tài chính trong năm 2024.

Tuy vậy, chừng đó vẫn là chưa đủ để HBC “lột xác”. Tại ngày 31/12/2024, các khoản phải thu vẫn chiếm tới 72,8% tổng tài sản, đạt 11.097 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi dù giảm 21%, nhưng vẫn rất lớn, đạt 1.947 tỷ đồng, cao hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu dù giảm rất mạnh nhưng mức 8,19 lần vẫn là rất cao, cho thấy tình trạng lệ thuộc vốn bên ngoài của HBC vẫn khá nghiêm trọng. Mặt khác, việc cân đối dòng tiền vẫn đang thách thức HBC khi lưu chuyển tiền thuần cả năm trong trạng thái âm, khiến quỹ tiền của công ty sụt giảm. Tại ngày kết thúc năm 2024, tiền và tương đương tiền chỉ đạt 282 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm.

Khó mơ tăng trưởng

Việc tồn tại đồng thời các vấn đề trên cả hai “mặt trận” là sản xuất kinh doanh và chất lượng tài sản khiến HBC như một người khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét, tiềm ẩn rủi ro lớn và khó lòng tạo ra “kỳ tích” tăng trưởng trong năm 2025.

Dẫu vậy, điểm cộng cho HBC là vẫn có. Thực tế cho thấy, ở thời điểm cuối năm 2024, HBC đã nhận được những gói thầu lớn, cho thấy khả năng cạnh tranh đã được khôi phục phần nào. Do đó, nếu giảm kỳ vọng, không “đua lấy số”, lãnh đạo và cổ đông HBC có thể hài lòng khi nhìn vào sự hồi sinh của công ty.

Mặt khác, dù công tác thu hồi công nợ đã có dấu hiệu chậm lại vào nửa cuối năm 2024, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc HBC sẽ ngừng thu nợ. Với tình cảnh hiện tại của công ty, thu nợ là hoạt động có ý nghĩa sống còn, bởi vậy không có lý do gì HBC không ráo riết thực hiện việc này trong năm 2025. Khả năng thu nợ sẽ là biến số có đóng góp quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định tới thành bại về lợi nhuận của HBC trong năm 2025, bởi vậy dù bất định nhưng cổ đông HBC vẫn có thể hi vọng vào điều này.

Ngoài ra, năm 2025, khả năng HBC sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô vay mượn để giảm áp lực trả lãi vay. Điều này càng được thúc đẩy bởi việc công ty không ham đua doanh số, cũng như các kế hoạch tăng vốn có lẽ sẽ được khởi động hoặc tiếp diễn.

Cộng hưởng các khả năng đó, HBC có thể sẽ có một năm 2025 củng cố, tạo nền tảng cho một thời kì phục hưng mới.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn