Được gì từ loạt động thái ‘hạ nhiệt’ tỷ giá?

Ngày 31/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.224 VND/USD, giảm 26 đồng/USD so với cách đây 1 tuần.

Tại các ngân hàng, tỷ giá USD/VND tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh so với cuối tuần trước, cụ thể: Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.680 - 25.050 VND/USD; BIDV niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.715 - 25.055 VND/USD.

Trên thị trường chợ đen, giá USD mua - bán còn 25.218 - 25.288 VND.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đã có lúc VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến hôm nay chỉ còn 2,3%.

Được gì từ loạt động thái ‘hạ nhiệt’ tỷ giá? ảnh 1

Tỷ giá USD được tiếp tục dự báo hạ nhiệt từ nay đến cuối năm.

Trong báo cáo tiền tệ vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, áp lực lên tỷ giá đã giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ sự suy yếu của đồng USD. So với đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng hiện đã sụt giảm 1,4% xuống mức 24.860 VND/USD. Các chuyên gia của MBS dự báo: “Áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800 - 25.000 VND/USD trong quý IV/2024”.

Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 8/2024, CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định: “Tỷ giá USD/VND đã giảm nhanh hơn so với kỳ vọng của chúng tôi nhờ diễn biến suy yếu của đồng USD. Theo đó, nhu cầu USD tăng trở lại trong cuối quý III và đầu quý IV cũng sẽ không gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. Tỷ giá USD/VND cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 VND/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái”.

Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện bơm ròng trên thị trường mở nhưng với quy mô xấp xỉ so với tháng 7. Tính đến ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng khoảng 41 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng (chủ yếu là do tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành tháng trước đã gần đáo hạn).

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh quy mô phát hành tín phiếu với tổng giá trị phát hành chỉ đạt 98,8 nghìn tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức hơn 196 nghìn tỷ đồng của tháng 7. Quy mô tín phiếu lưu hành hiện tại đã giảm xuống còn 85,2 nghìn tỷ đồng từ 113,5 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 7.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì việc bơm tiền qua kênh cầm cố, với quy mô cho vay tương đương với đáo hạn. Do đó, lượng tiền bơm ròng qua kênh cầm cố không đáng kể, chỉ khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng.

“Với diễn biến tỷ giá hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm”, VDSC dự báo.

Được hưởng lợi rõ nhất là nhóm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước hoặc đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Nhờ chi phí nguyên vật liệu nhập về rẻ hơn, nên giá bán vì thế cũng rẻ theo, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát ở trong nước.

Các chuyên gia của FiinRatings cho biết, môi trường tỷ giá thuận lợi được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí sản xuất và chi phí vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ như xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chi phí đầu vào giảm. Hơn nữa, đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận dòng vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế cho hoạt động kinh doanh thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - nhìn nhận, tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm.

Xem thêm tại tienphong.vn