Dược phẩm OPC muốn chi 4 triệu USD xây dựng trung tâm dược liệu số hoá, “bắt tay” đối tác Hàn nghiên cứu Sâm Ngọc Linh

CTCP Dược phẩm OPC (mã chứng khoán OPC) vừa đi vào hoạt động trung tâm dược liệu đầu tiên tại Tp.HCM. Được biết, Công ty đến nay đã đầu tư hơn 20 tỷ cho trung tâm này, trong đó đã ký kết với đối tác Hàn Quốc Aribio, cùng hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm giữa các bên (các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc điều trị bệnh từ dược liệu quý).

Theo kế hoạch, trung tâm dược liệu sẽ tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 với trọng tâm là chuyển đổi số, tổng chi phí đâu đó lên đến 3-4 triệu USD. Nói về lần đầu tư mạnh này, bà Phạm Thị Xuân Hương – CEO Dược OPC kiêm Dược sĩ – nhấn mạnh Trung Quốc và Ấn Độ đã đi rất xa trong mảng thuốc với các thành phần dược phẩm hoạt tính (API), do đó Việt Nam cần tận dụng được nguyên vật liệu dược liệu vốn có để đẩy mạnh mảng dược liệu, gia nhập cuộc chơi toàn cầu. Khi, xu hướng hiện nay là phòng bệnh hơn chữa bệnh, đặc biệt con người quay về với thiên nhiên, các loại cây dược tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc tây, API.

Được biết, Dược OPC là một trong những doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu và xây dựng vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO kể từ năm 2006. Hiện, OPC sở hữu 6 vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO: Kim Tiền Thảo, Ích Mẫu, Vông Nem và Trinh Nữ tại tỉnh Bắc Giang; Liên Diệp tại tỉnh Đồng Tháp; Húng Chanh tại Tp.Cần Thơ.

Về kinh doanh, OPC hàng năm khá ổn định với doanh thu ngàn tỷ, lợi nhuận thu về hàng trăm tỷ đồng. Năm 2024, Công ty lên kế hoạch doanh thu 1.278 tỷ, LNTT 186 tỷ đồng.

Quý 1/2024, OPC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 221 tỷ đồng - tăng 11,5% và thực hiện được 17% kế hoạch. năm. LNST hợp nhất hơn 33 tỷ đồng - tăng gần 15% so với cùng kỳ. Theo Công ty, doanh thu lợi nhuận tăng chủ tếu do tăng nhóm hàng thương mại.

Hiện, OPC cũng đang bắt tay với đối tác Hàn để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Không phủ nhận Hàn Quốc là "vua" về sâm, song đối tác vẫn đồng ý qua Việt Nam cùng OPC nghiên cứu dòng Sâm Ngọc Linh bởi mỗi loại sâm sẽ có những đặc tính khác nhau, tuỳ thuộc vào địa lý thổ nhưỡng khí hậu sinh sống.

Cần nhấn mạnh, Sâm Ngọc Linh là loài cây quý của Việt Nam. Thời gian gần đây, Bộ KH&CN đã đầu tư, quan tâm tới sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, xây dựng các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum…, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sảm phẩm quốc gia ưu tiên nghiên cứu phát triển. Trong số đó, rất nhiều dự án hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc và Việt Nam về sâm được đẩy mạnh.

Xem thêm tại cafef.vn